Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy:

Giảm nghèo bền vững là động lực để phát triển kinh tế, ổn định xã hội

09:09, 02/08/2011

Kết quả 5 năm thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 7-11-2006 của Tỉnh ủy về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 cho thấy: tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh đã giảm từ 27,55% xuống còn 7,45%, bình quân mỗi năm giảm 4,02% (kế hoạch là giảm 2,5%/năm).  Khẳng định những kết quả đã đạt được cũng như định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo thời gian tới, đồng chí HOÀNG TRỌNG HẢI, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã dành cho Báo Dak Lak một cuộc phỏng vấn…

PV: Có thể nói Chương trình giảm nghèo của Tỉnh ủy giai đoạn 2006-2010 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo ở Dak Lak chiếm khá cao, chủ yếu là tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy nên, để thực hiện có hiệu quả chương trình này thì công tác chỉ đạo, điều hành đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

 
Đồng chí Hoàng Trọng Hải: Trước khi ban hành Chương trình 09, công tác giảm nghèo trên địa bàn Dak Lak vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ giảm nghèo chậm hơn so với nhiều khu vực khác. Nhớ lại thời điểm cuối năm 2005 đầu 2006, toàn tỉnh Dak Lak có đến trên 90.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,55% tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó trên 47.200 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 52,35% so với tổng số hộ nghèo và chiếm 48% so với tổng số hộ là người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao là do người dân thiếu đất sản xuất, thiếu trình độ làm kinh tế, con đông, thiếu vốn, không có việc làm, một số ít lười lao động…; ngoài ra còn do tác động của thiên tai, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, giá nông sản không ổn định…

Trước thực tế đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với quan điểm chủ đạo và cũng là chương trình hành động đối với các cấp các ngành là: Giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế, ổn định xã hội; đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp, vận động của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15% vào cuối năm 2010 (bình quân mỗi năm giảm 2,5%); cải thiện đời sống của nhóm hộ nghèo, tập trung đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng và ổn định xã hội trong quá trình phát triển; huy động các nguồn lực Nhà nước và cộng đồng tham gia vào công tác giảm nghèo một cách hiệu quả…

Nông trường Cao su Ea Ram (Công ty Cao su Ea H’leo) tặng nhà “mái ấm công đoàn” cho một hộ gia đình công nhân dân tộc Êđê có hoàn cảnh khó khăn.  Ảnh: Quang Trung
Nông trường Cao su Ea Ram (Công ty Cao su Ea H’leo) tặng nhà “mái ấm công đoàn” cho một hộ gia đình công nhân dân tộc Êđê có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Quang Trung)
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả thực hiện các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo đã triển khai trong thời gian qua?

Đồng chí Hoàng Trọng Hải: Nhìn chung thì các chính sách, chương trình về giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, kịp thời và đã thực sự đi vào cuộc sống. Theo thống kê, tổng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh là gần 2.214 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 1.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 182 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng 111 tỷ đồng, nguồn vốn từ tín dụng là 911 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, chúng ta đã triển khai thực hiện được nhiều chương trình, chính sách đầu tư cho chiến lược giảm nghèo của tỉnh.

Cụ thể, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo đã giải quyết cho 153.000 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền 1.346 tỷ đồng. Đến cuối năm 2010, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 2.164 tỷ đồng, trong đó dư nợ hộ nghèo 819 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã thực sự đến được với người dân nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Nhiều hộ nghèo đã biết sử dụng vốn vay có hiệu quả để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác dạy nghề cho người nghèo với các hình thức đa dạng, phong phú như: dạy nghề gắn với việc làm ở các doanh nghiệp, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi… Trong 5 năm qua, đã có 12.910 lao động được đào tạo, trong đó có 4.400 lao động nghèo và 9.500 lao động là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 134 của Chính phủ, đến nay chúng ta đã hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình với tổng kinh phí thực hiện hơn 222 tỷ đồng. Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta cũng đã về đích trước 2 năm với kết quả đã hỗ trợ nhà ở cho 12.849 hộ, kinh phí thực hiện 304 tỷ đồng. Tham gia vào chương trình giảm nghèo của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức vận động Quỹ Vì người nghèo được trên 51,4 tỷ đồng và đã triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Hỗ trợ xây dựng 2.087 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 153 nhà giúp hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo… Ngoài ra, các cấp các ngành cũng đã thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ phát triển ngành nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người nghèo, người dân tộc thiểu số… Các tổ chức đoàn thể các cấp cũng đã vào cuộc thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh với quyết tâm cao, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của tỉnh.

 Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, nhiều hộ nghèo ở huyện Cư M’gar đã thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, nhiều hộ nghèo ở huyện Cư M’gar đã thoát nghèo.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 27,55% xuống còn 7,45% (theo tiêu chí cũ), bình quân mỗi năm giảm được 4,02%, trong khi đó kế hoạch đặt ra là phấn đấu giảm 2,5%/năm. Có được kết quả này chính là nhờ các chính sách, các chương trình giảm nghèo của Trung ương và tỉnh trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ, kịp thời. Chúng ta đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội, các doanh nghiệp và sự tham gia của các tầng lớp dân cư. Chương trình đã thu hút được sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cả cộng đồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 thì tỉnh ta vẫn còn địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, đặc biệt hiện toàn tỉnh Dak Lak vẫn đang còn 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Điều đáng lo ngại nữa là công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, cụ thể là số hộ cận nghèo còn cao. Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc có nơi chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ… 

PV: Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, số hộ nghèo ở Dak Lak lại lên đến 81.053 hộ, chiếm 20,08%, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 57,44% và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 8,59% tổng số hộ toàn tỉnh. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải làm gì để sớm có thể giảm thiểu số hộ nghèo này, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Trọng Hải: Theo tôi, nhiệm vụ chung trong công tác giảm nghèo giai đoạn tới là tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp, vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế và cả cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Trong đó, nhiệm vụ chính và xuyên suốt nhất vẫn là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và duy trì thành quả của công cuộc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy Đảng, chính quyền căn cứ nội dung Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn từ 2011 đến 2020; căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Nông thôn mới để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho công tác giảm nghèo. Cùng với đó, các cấp các ngành tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo mà chúng ta đã và đang triển khai. Ngoài các chính sách chung về giảm nghèo, đối với các huyện nghèo, các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn cần xây dựng chính sách đặc thù; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17-11-2004 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo tôi, chúng ta nên tổ chức phối hợp, lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo với các chương trình khác như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình vay vốn giải quyết việc làm… Có như vậy mới tạo được nguồn lực tổng hợp, đủ mạnh để thực hiện công tác giảm nghèo.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Cường (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.