Khi cấp xã làm chủ đầu tư
Ngày 2-8, tại phiên họp báo cáo tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Dak Lak, Ban chỉ đạo Chương trình đã lưu ý lãnh đạo các xã rằng: khi được chọn làm chủ đầu tư một hạng mục, công trình nào đó (thuộc chương trình trên) thì trong quá trình quy hoạch lập dự án khả thi, chính quyền địa phương phải dựa trên đời sống thực tế của địa phương mình để chọn lựa và trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, vấn đề quan trọng là việc lập dự toán để được bố trí vốn thực hiện phải sát thực và phù hợp với nhu cầu, tránh tình trạng dàn trải, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Điều đó càng có ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc hơn đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai trên cả nước hiện nay. Vậy, thực tế diễn ra trên địa bàn Dak Lak ra sao? Qua đánh giá, khảo sát tại các địa phương được chọn để triển khai, thực hiện Chương trình, Thường trực Ban chỉ đạo đã chỉ ra những tồn tại: Hầu hết các xã “chạy theo” nhau trong việc chọn lựa, quy hoạch xây dựng công trình. Nơi nào cũng “điện- đường-trường- trạm”, mặc dù ở đó đã được đầu tư xây dựng các hạng mục này từ lâu bằng nhiều nguồn vốn và hình thức khác nhau. Đáng nói hơn là các chủ đầu tư (cấp xã) đã lập dự toán nguồn vốn “cao ngất ngưởng” từ 300-400 triệu trở lên, thậm chí có xã ở huyện Lak còn dự toán lên tới cả tỷ đồng!
Một thành viên trong Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh than phiền: Họ (chỉ chủ đầu tư) không biết rằng: nguồn vốn Trung ương bố trí cho chương trình này là có hạn, vì vậy các địa phương được thụ hưởng cần có nhận thức cao trong việc sử dụng nguồn kinh phí trên sao cho phù hợp, hiệu quả. Cần gạt bỏ ngay tâm lý tiền Nhà nước rót về thì phải làm công trình mới - và làm cho thật to để nhận được suất đầu tư nhiều hơn. Trong vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền cấp xã phải sâu sát hơn đời sống thực tế của người dân để đưa ra những đề xuất phù hợp với tinh thần của Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Thay vì xây dựng thêm các công trình mới (theo 19 tiêu chí đặt ra trong Chương trình), các địa phương nên khảo sát, đánh giá lại các hạng mục, dự án phục vụ xã hội, dân sinh được đầu tư trước đó nhằm hoàn thiện thêm, hoặc nâng cao công năng sử dụng. Hơn thế, phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân ở địa phương, xem họ cần gì để có giải pháp huy động thêm nguồn lực trong cộng đồng cùng với nguồn kinh phí của Chương trình xây dựng các công trình thật sự cần thiết, có giá trị bền vững, với trọng tâm là nâng cao chất lượng đời sống, sản xuất nông nghiệp - nông dân - nông thôn như Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra từ năm 2008. Bởi suy cho cùng, xây dựng nông thôn mới là nhằm rút ngắn khoảng cách đời sống, mức hưởng thụ giữa các vùng nông thôn và thành thị; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Vì thế, đối tượng được thụ hưởng trực tiếp là người dân ở nông thôn phải được tạo điều kiện, cơ hội để họ được tham gia giám sát quá trình thực hiện chương trình MTQG một cách có trọng tâm, mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Không để chủ đầu tư chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài .
Ý kiến bạn đọc