Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ nhìn từ chính quyền cơ sở

09:22, 31/08/2011

Dám nghĩ, dám làm, luôn có những ý tưởng đột phá, sáng tạo trong các lĩnh vực phụ trách, cán bộ trẻ ở cơ sở đã trở thành lực lượng xung kích, đi đầu ủng hộ và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng chính quyền cơ sở, xây dựng nông thôn mới.

Anh Lương Viết Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin): Nỗ lực phát huy sức trẻ địa phương và chú trọng đến việc chuyển giao văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

 


Năm 2002, rời quân ngũ, về địa phương tôi gắn bó với công tác đoàn gần 10 năm tháng 6-2011 được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao trọng trách giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa – xã hội. Tôi cảm nhận được đây là niềm vinh dự cho bản thân và tuổi trẻ các dân tộc ở địa phương. Với niềm tin tưởng và chức trách được giao, tôi tích cực có những đề xuất, kế hoạch cụ thể để phát huy vai trò của sức trẻ địa phương, nhất là trong việc giữ gìn, bảo tồn và chuyển giao vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Xã Ea Ktur có đến hơn 30% là đồng bào DTTS, tôi sẽ tham mưu cho Đảng ủy và UBND tổ chức nhiều hoạt động, các loại hình câu lạc bộ để truyền dạy, tập hợp thanh niên, đặc biệt thanh niên DTTS tham gia và cống hiến sức trẻ, giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa đến việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, đưa cây, con giống mới, năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng và xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả áp dụng vào sản xuất. Tiếp tục phát huy kết quả các mô hình kinh tế điểm của thanh niên những năm trước, thời gian tới, xã sẽ vận động họ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu để nhân rộng. Một trong những vấn đề nữa mà tôi quan tâm là việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ có đủ năng lực, đạo đức chính trị đảm nhận những trọng trách quan trọng mà Đảng, nhân dân giao phó. Bản thân tôi sẽ cố gắng không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trước hết là hoàn thành bậc đại học, ngành luật, rèn luyện đạo đức để xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã.

Anh Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Amung (huyện Ea H’leo): “Sức dân” là chìa khóa thành công

Anh Nguyễn Thành Trung (áo sẫm màu) đang kiểm tra thu hoạch ngô vụ đông xuân.
Anh Nguyễn Thành Trung (áo sẫm màu) đang kiểm tra thu hoạch ngô vụ đông xuân.

Xã Cư Amung được tách ra từ xã Ea Wy năm 2006 với dân số hơn 3.700 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, được phân công chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách lĩnh vực kinh tế tôi đã gần gũi với người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Đảng ủy và UBND đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cũng như phát huy nội lực triển khai có hiệu quả các chương trình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, diện mạo xã Cư Amung có nhiều đổi thay, thu nhập bình quân đạt 11,4 triệu đồng/người/năm, liên tục là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện.

Ông Y Du Trei, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Rbin (huyện Lak): Cán bộ trẻ là nguồn nhân lực
để phát triển nông thôn

 


Những năm trở lại đây, lực lượng cán bộ trẻ đảm trách các chức vụ quan trọng tại địa bàn xã Ea Rbin (huyện Lak) ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hơn 70% cán bộ xã là những người trẻ có độ tuổi từ 25 đến 35. Có thể nói, đây là những cán bộ có năng lực, trách nhiệm, nhạy bén và gần gũi với nhân dân. Việc được tín nhiệm vào cấp ủy sẽ là cơ hội để họ thể hiện năng lực và trách nhiệm của mình. Bởi tôi thấy thế hệ trẻ hôm nay ham học tập, họ luôn tự trang bị kiến thức cho mình để tham gia điều hành công việc, vì khi được tin tưởng và được tạo môi trường làm việc đúng nghĩa, cán bộ trẻ sẽ không ngại khó khăn và cống hiến hết mình. Chính quyền địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cán bộ trẻ phát huy khả năng lãnh đạo từ việc truyền đạt kinh nghiệm đến việc tham gia các lớp đào tạo đại học, cao đẳng... vì họ sẽ là lực lượng nòng cốt thay thế lớp người đã lớn tuổi sắp về hưu. Hiện tại, UBND xã cũng đã cử 6 cán bộ trẻ tham gia các lớp đại học để nhằm phục vụ cho công việc lãnh đạo địa phương sau này. Thực tế cho thấy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài. Trẻ hóa và tri thức hóa đội ngũ cán bộ cơ sở chính là đòi hỏi cấp thiết nhất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo ra được một diện mạo mới ở cơ sở…
Anh Lục Duy Phương (32 tuổi, dân tộc Nùng), Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Drang (huyện Krông Buk):

Anh Lục Duy Phương (32 tuổi, dân tộc Nùng), Phó Chủ tịch UBND xã Powng Drang (huyện Krông Buk): Lực lượng trẻ sẽ tạo sức bật mới trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương

 

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, tôi thi công chức và được điều về làm tại Cơ quan thi hành án Dân sự huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Công việc ổn định, đúng chuyên ngành đã học nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong muốn được cống hiến xây dựng quê hương thứ hai của mình ở xã Pơng Drang – nơi tôi và gia đình sinh sống gần 30 năm. Biết được ước nguyện đó, cuối năm 2006, cấp ủy, lãnh đạo địa phương tiếp nhận tôi về làm cán bộ tư pháp xã. Năm 2009, huyện Krông Buk chia tách địa giới hành chính, do sự điều động, luân chuyển cán bộ, xã Pơng Drang thiếu một Phó Chủ tịch UBND xã. Sau thời gian thử thách, tôi được tổ chức tin tưởng phân công giữ cương vị Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế - tư pháp từ đầu năm 2010 đến nay. Không chỉ có tôi mà lực lượng cán bộ trẻ phụ trách công tác địa chính – xây dựng, văn hóa – xã hội, văn phòng – thống kê, tài chính - kế toán… chiếm trên 50% số cán bộ xã. Ý thức được trách nhiệm của mình, lực lượng cán bộ trẻ đã tham mưu và cùng với cấp ủy, lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khiếu nại tố cáo, giữ gìn an ninh - trật tự địa phương. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương mà nòng cốt là lực lượng cán bộ trẻ phụ trách các lĩnh vực đã tăng cường công tác rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh công tác thu ngân sách, nắm bắt tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, đã tạo ra “sức bật mới” trong xây dựng và phát triển địa phương với những kết quả đáng ghi nhận: trên 95% diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn khoảng 10% dân số xã; tình hình an ninh - trật tự ổn định và giữ vững. Điều đáng nói, nhờ biết phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đến nay, xã đã nhựa hóa, bê tông và sửa chữa được 62 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng mà chủ yếu từ nguồn đóng góp của người dân.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc