Multimedia Đọc Báo in

Xoa dịu nỗi đau da cam - việc làm không của riêng ai

08:47, 10/08/2011

Chiến tranh đã kết thúc hơn 36 năm nhưng thương tích để lại còn khá nặng nề, trong đó thảm họa da cam là một trong những di chứng với nỗi đau xuyên thế hệ. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm có tính di truyền do chất độc da cam/dioxin gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần. Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam, phóng viên Báo Dak Lak có cuộc trao đổi với ông NGÔ SONG HÀO, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh để giúp độc giả hiểu và cùng chung tay chia sẻ với nỗi đau của những gia đình nạn nhân da cam.

*Thảm họa da cam Việt Nam là một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người. Ông nghĩ gì về kết luận này?

 
- Có lẽ ngay cả những người “đầu têu” sản xuất ra loại chất độc này cũng không thể tưởng tượng hết nó lại độc và nguy hại khủng khiếp đến thế. Hủy hoại môi trường sinh thái, nhìn những phận người vật vã, dày vò trong bệnh tật, qua nhiều thế hệ mới thấy và thấm sự ảnh hưởng nghiêm trọng cũng như sự vô nhân đạo của đế quốc Mỹ khi sử dụng chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thảm họa da cam - thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người đang được minh chứng và tố cáo qua chính nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam ở nhiều vùng miền trên đất nước hình chữ S này. Còn ở Dak Lak - một trong những vùng trọng điểm mà đế quốc Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin, hiện cũng có hàng nghìn người bị nhiễm. Họ là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cán bộ hoạt động kháng chiến, nhân dân sống và chiến đấu ở vùng bị rải chất độc da cam vào Dak Lak định cư làm ăn sinh sống. Cụ thể, theo điều tra, tính đến năm 2010, toàn tỉnh có 4.507 người tham gia kháng chiến, chưa kể con cháu họ những người không tham gia kháng chiến cũng mang trong mình những vết thương không rỉ máu, trong đó có gần 235 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3. Trong số người bị phơi nhiễm chất độc da cam, hàng trăm người đã chết và hàng trăm người mắc các chứng bệnh nan y khác cùng con cháu họ bị dị dạng, dị tật đang hằng ngày hằng giờ phải sống trong đau khổ, nghèo khó.

*Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Từ thực tế công việc của mình, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với các nạn nhân da cam, ông có thể có một vài minh chứng cho nhận định trên?

- Xót xa thương cảm là cảm xúc chung khi thăm các nạn nhân da cam. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung của họ là bệnh tật, nghèo khó. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân da cam là liệt toàn thân hay một phần cơ thể, thiểu năng trí tuệ, tai biến sinh sản. Đặc biệt chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Hầu hết gia đình nạn nhân chất độc da cam đều rất khó khăn. Nhiều cảnh ngộ bi đát tuyệt vọng, kiệt quệ vì bệnh tật giày vò. Có những cặp vợ chồng nhiều lần sinh nở mà lần nào cũng sinh ra những đứa trẻ dị dạng không nuôi được. Người mẹ 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau tần tảo nuôi con mấy chục năm trời mà đứa con chỉ nằm một chỗ, không một lần cất tiếng gọi mẹ cha. Có gia đình cả cha mẹ và con đều là nạn nhân. Có những gia đình 3 thế hệ nối tiếp nhau đều là nạn nhân. Có gia đình mỗi cột nhà là một dây xích để giữ lấy những đứa con mỗi khi lên cơn điên dại do chất độc da cam gây ra như gia đình ông Lê Xuân Lương ở thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột

*Vậy Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phát huy vai trò là tổ chức xã hội đặc thù như thế nào, thưa ông?

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập ngày 20-3-2005. Hơn 6 năm qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về bộ máy, cơ chế hoạt động của các cấp hội nhưng với tình cảm, lương tâm và trách nhiệm, những người làm công tác Hội ở cương vị kiêm nhiệm đều không ngại khó, ngại khổ, vượt qua rào cản về mặt tâm lý đến với các nạn nhân da cam, chia sẻ đồng cảm giúp họ vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng. Hiện 15/15 huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội, 1.150 nạn nhân đăng ký là hội viên các cấp, 110 hội viên đăng ký là hội viên danh dự, 19 cá nhân đăng ký là hội viên tình nguyện. Tỉnh đã giải quyết chế độ hưởng trợ cấp hằng tháng cho người tham gia kháng chiến được 1.308 người, trong đó trực tiếp 833 người, gián tiếp 475 người.

Đồng cảm và chia sẻ với các nạn nhân da cam, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền và vật chất cho tổ chức Hội các cấp trong tỉnh trên 3 tỷ đồng để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Kết quả cụ thể Hội đã xây dựng 36 nhà tình nghĩa, sửa chữa 3 nhà cho nạn nhân trị giá trên 1 tỷ đồng; tổ chức các đợt đi thăm, tặng quà và hỗ trợ cho nạn nhân trên 1.000 lượt với tổng số tiền trị giá gần 2 tỷ đồng.

*Nếu để chuyển tải một thông điệp tới xã hội, ông sẽ nói gì?

- Vâng, xoa dịu nỗi đau da cam – việc làm không của riêng ai. Các nạn nhân da cam đang cần lắm những tấm lòng nhân ái.

*Xin chân thành cảm ơn ông!

Đàm Thuần (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc