Multimedia Đọc Báo in

"Chính phủ là công bộc của dân"

18:15, 06/11/2011

Cách đây 65 năm, vào ngày 3-11-1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã được thành lập thay thế cho Chính phủ kháng chiến trước đó. Trong lời tuyên bố trước Quốc hội tại phiên họp ngày 31-10-1946, khi nhận trách nhiệm thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận". Mở đầu lời tuyên bố, bằng những lời giản dị nhưng dứt khoát, Bác đã xác định việc nước là việc chung không thể thoái thác và đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của người “phụ trách Chính phủ”. Người cũng đã long trọng tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết...Chính phủ biết làm việc”. Đây là lời tuyên bố trước Quốc hội nhưng cũng chính là lời hứa trước quốc dân đồng bào về sự trong sạch, liêm khiết và năng lực làm việc của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ.

Hơn một năm trước ngày thành lập Chính phủ mới, trong bài báo “Chính phủ là công bộc của dân", đăng trên Báo Cứu Quốc, số 46, ngày 19-9-1945, dưới bút danh Chiến Thắng,  Bác cũng đã chỉ rõ: "Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy.Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Hiện nay, chúng ta đang thấy có một khái niệm mới hay được nhắc đến đó là “Lợi ích nhóm”, mà theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội thì “Ở ta cũng bắt đầu xuất hiện sự tác động của lợi ích nhóm vào vận động chính sách và xây dựng luật” (Theo Bee.net.vn, ngày 9-9-2011). Lợi ích nhóm, về bản chất, không phải là một khái niệm tiêu cực. Thế nhưng một khi chính sách đưa ra chỉ là kết quả của sự “toan tính” của một “nhóm lợi ích” mà đi ngược lại với quyền lợi của số đông trong xã hội và không phù hợp với hệ giá trị thì rõ ràng cần phải xem xét lại.  Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối”.

Trong những ngày này, tại Hà Nội,  kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra để bàn thảo những vấn đề hệ trọng của đất nước, chúng ta hy vọng rằng những quyết sách đưa ra không bị “nhóm lợi ích” chi phối. Mong sao tất cả các chủ trương, chính sách đều xuất phát từ người dân, hướng đến nhân dân; Chính phủ phải thật sự là “công bộc của dân”, phải “đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy” như Bác Hồ đã chỉ rõ.

Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.