Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện hiệu quả “Năm ATGT – 2012”: Phải coi công tác bảo đảm TTATGT Là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

08:32, 10/01/2012

Dak Lak là 1 trong 10 địa phương vừa được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì đã giảm nhiều người chết do tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2010 và 2011. Năm 2012, tỉnh ta được giao chỉ tiêu giảm từ 8-10% số vụ TNGT. Vậy những giải pháp cụ thể nào sẽ được Ban ATGT tỉnh triển khai trong “Năm ATGT - 2012”? P.V Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông LÊ XUÂN BIỂU, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh về vấn đề này.

Ông Lê Xuân Biểu
Ông Lê Xuân Biểu

°  Trong năm 2011, tỉnh ta đã đạt được thành tích là TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Theo ông, đâu là nguyên nhân đem lại những kết quả này?

Dak Lak cùng với 10 địa phương khác trong cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì đã giảm được TNGT. Trong năm 2011, tỉnh ta đã giảm được số vụ TNGT từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6 và là 1 trong 7 địa phương trong cả nước giảm được TNGT liên tục 3 năm liền. Có được kết quả đó, trước hết là do chúng ta đã có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong toàn hệ thống chính trị; đặc biệt là sự chuyển biến rất lớn trong công tác chỉ đạo của các cơ quan, lực lượng chức năng và ý thức của người tham gia giao thông. Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT. Theo đó, Ban ATGT tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT và thực hiện có hiệu quả “Tháng ATGT năm 2011”; in ấn, cấp phát tờ rơi, áp phích đến các ban ngành, đoàn thể, học sinh, sinh viên và người tham gia giao thông; sử dụng các panô cổ động về nội dung Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, vận động chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy. Ngoài ra, các lực lượng chức năng (nòng cốt là CSGT, Thanh tra giao thông) thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT và huy động lực lượng Công an xã tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Năm 2011 mặc dù lượng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh (tăng hơn 70.000 xe máy, hơn 3.000 ôtô - PV) cộng với kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế nhưng TTATGT trên địa bàn tỉnh có những chuyến biến tích cực. Hầu như các vụ ùn tắc giao thông không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu ở các công trình đang thi công, còn việc đi lại của người dân rất thông thoáng…

°“Năm ATGT - 2012”, tỉnh ta được giao mục tiêu là giảm từ 8 đến 10% số vụ TNGT, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, những năm trước tỉnh ta chỉ giảm được hơn 1%, như vậy mục tiêu đưa ra sẽ rất khó để thực hiện. Tỉnh sẽ có những giải pháp gì trong quá trình triển khai thực hiện?

Năm 2012 tỉnh ta sẽ phải phấn đấu giảm từ 8 đến 10% số vụ TNGT, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2011. Có thể coi là mức chỉ tiêu tương đối nhưng rất khó thực hiện, bởi năm 2011 vừa qua trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 293 vụ TNGT đường bộ, làm chết 311 người, bị thương 181 người, tương ứng với tỷ lệ đó thì năm 2012, tỉnh ta phải giảm trên 30 người chết. Để thực hiện được điều đó thì ngay từ những ngày đầu năm 2012, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động “Năm ATGT - 2012” và đã thông qua tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2011 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 vừa qua. Trong đó, vẫn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT; lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang ATGT; tổ chức lại giao thông, đẩy mạnh phân làn giao thông đường đô thị và phân luồng trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ; tăng cường kiểm tra và siết chặt quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (đặc biệt là lái xe chở khách, xe tải và xe công ten nơ)… Tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình "Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020", Chiến lược ATGT đường bộ Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ban ATGT tỉnh yêu cầu 100% xã, phường, thị trấn, các sở, ban, ngành đồng loạt ra quân và triển khai liên tục, có hiệu quả “Năm ATGT - 2012”. Đặc biệt, phải đưa công tác bảo đảm TTATGT trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng như các nhiệm vụ chính trị trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát là giải pháp trọng tâm trong “Năm An toàn giao thông”.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát là giải pháp trọng tâm trong “Năm An toàn giao thông”.

° Giải pháp trọng tâm mà Ban ATGT tỉnh sẽ thực hiện trong “Năm ATGT - 2012” là gì, thưa ông?

Ban ATGT tỉnh đã xác định biện pháp cưỡng chế thực thi pháp luật, trong đó ưu tiên việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT… là giải pháp trọng tâm. Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) chưa thực sự phát huy hiệu quả, có rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông có nhận thức rất tốt về Luật GTĐB nhưng khi tham gia giao thông trên đường vẫn để xảy ra TNGT hoặc vẫn cố tình vi phạm luật lệ giao thông; rất nhiều trường hợp chấp hành theo kiểu đối phó. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất mà Ban ATGT tỉnh đề ra là tăng cường cưỡng chế thực thi pháp luật.

° Tỉnh ta vừa có đề xuất tăng chế tài xử phạt, đặc biệt là các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm trực tiếp gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Quan điểm của ông đối với vấn đề này như thế nào?

Theo Nghị định 34 của Chính phủ, những chế tài xử phạt các hành vi vi phạm Luật GTĐB đã cứng rắn hơn so với trước đây rất nhiều. Bằng chứng là các hành vi vi phạm TTATGT sẽ bị xử phạt tăng gấp đôi, gấp 3 lần tiền nộp phạt, tuy nhiên trong quá trình triển khai trên thực tế thì những chế tài xử phạt đó vẫn chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Vì vậy, thời gian qua Ban ATGT tỉnh cũng đã tham khảo ý kiến của các ngành để đề xuất sửa đổi Nghị định 34. Riêng với những hành vi vi phạm mà chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe thì chúng tôi cũng có đề xuất những mức xử phạt cao hơn nhằm góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, chấp hành luật GTĐB tốt hơn khi tham gia giao thông.

*Xin cảm ơn ông!

Thế Hùng (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.