Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch cúm gia cầm: Biện pháp hàng đầu là tuyên truyền

09:23, 28/02/2012

Dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại. Cùng với các địa phương trên cả nước, Dak Lak đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Chuyên có một vài chia sẻ xung quanh công tác phòng chống dịch cúm gia cầm năm nay.

† Hiện dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 12 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 9 tỉnh dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Vậy trên địa bàn Dak Lak, nguy cơ bùng phát dịch này ở mức độ nào, thưa ông?

- Có thể khẳng định là nguy cơ khá cao. Lý do là bởi: Địa bàn Dak Lak rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, thường xuyên có hoạt động vận chuyển gia súc gia cầm từ tỉnh này sang tỉnh khác, trong khi đó lực lượng thú y lại mỏng. Toàn tỉnh hiện có trên 6 triệu con gà, trên 1 triệu con vịt, chủ yếu là vịt chạy đồng. Dịch cúm gia cầm năm nay hiện xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt nên yếu tố trên đây cũng là một nguy cơ lớn có thể khiến dịch bùng phát và dễ lây lan trên diện rộng.

† Theo nhận định của Cục Thú ý, chủng vi-rút cúm đã biến đổi. Điều này hẳn cũng là một khó khăn, trở ngại lớn trong công tác phòng chống dịch của tỉnh, thưa ông?

- Vâng, vi-rút cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đã có biến chủng. Tiêm vắc-xin là biện pháp cấp bách, hữu hiệu, bổ trợ để phòng chống dịch. Nhưng theo như nhận định của Cục Thú y: do sự biến đổi của vi-rút cúm gia cầm, hiệu quả vắc-xin không cao thì quả là một khó khăn lớn cho công tác phòng chống dịch.

Phòng chống dịch cúm gia cầm, hiệu quả lâu bền nhất là ý thức của người chăn nuôi.
Phòng chống dịch cúm gia cầm, hiệu quả lâu bền nhất là ý thức của người chăn nuôi.

† Dak Lak được đánh giá là một trong những địa phương bao vây, khống chế, làm tốt công tác chống dịch trong những năm trước đây. Vậy ông có thể cho biết những kinh nghiệm có được để ứng phó với đợt dịch này?

- Tuyên truyền phải là biện pháp hàng đầu, có ý nghĩa lâu dài nhất. Điều quan trọng, bền vững nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức không chỉ của các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành mà còn để người dân hiểu, nắm được nguy cơ để chăn nuôi khoa học và có thái độ ứng xử vì cộng đồng trước dịch bệnh. Ứng xử vì cộng đồng ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến hành động cụ thể là kịp thời thông báo cho cán bộ thú y khi gia cầm có dấu hiệu ốm, mắc bệnh, thay vì tự ý chạy chữa, tiêu huỷ, bán chạy bán tháo. Một việc làm nhỏ thôi nhưng có ý nghĩa lớn trong khống chế dịch lây lan trên diện rộng.

† Cùng với những kinh nghiệm ấy, những động thái cụ thể nào của Ban chỉ đạo cũng như ngành chức năng đã, đang và sẽ được triển khai để phòng chống dịch bùng phát, lây lan, thưa ông?

- UBND tỉnh đã có công điện, chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh cũng phân công từng thành viên phụ trách các địa bàn cụ thể. Riêng ngành Thú y  tích cực chuẩn bị ra quân triển khai “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng” đồng thời quán triệt tinh thần giám sát dịch, kiểm dịch động vật sát sao để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan.

† Với tư cách một cán bộ thú y, ông có khuyến cáo gì không?

- Tôi muốn gửi lời khuyên tới 3 đối tượng là người chăn nuôi, người buôn bán và người tiêu dùng. Thứ nhất, đối với người chăn nuôi, như trên tôi có đề cập đến một ý là chăn nuôi khoa học. Nghe có vẻ to tát, sách vở nhưng đơn giản, khoa học như ở chỗ người chăn nuôi mua con giống được kiểm soát, không mua con giống trôi nổi; có ý thức vệ sinh tiêu độc khử trùng, khi có nguy cơ cao thì cách ngày làm một lần, bình thường thì định kỳ 2 lần/tuần để giữ sức khỏe cho đàn gia cầm… Đối với người buôn bán (là đối tượng trung gian trung chuyển sản phẩm, hàng hóa), vận chuyển gia cầm phải chấp hành kiểm dịch, nói không với gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh. Đối với người tiêu dùng không nên tham của rẻ ít nhất là trong thời điểm này, tạo một thói quen đơn giản nhưng hiệu quả đó là đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phong trước và sau khi giết mổ, chế biến gia cầm.

† Xin cảm ơn ông!    

Đàm Thuần – Giang Nam (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc