Multimedia Đọc Báo in

Việc chọn trường, chọn ngành phù hợp sẽ quyết định kết quả cuộc thi

09:09, 24/02/2012

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012 đang đến gần. Để  giúp thí sinh có thêm kiến thức, kỹ năng và định hướng trong việc chọn trường, chọn ngành học phù hợp, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ LÊ CÔNG TOÀN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc (ĐHKT) Đà Nẵng.

°Tiến sĩ có thể cho biết những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay?

- Theo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngày 14 - 2 vừa qua, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm nay sẽ có những điểm mới sau đây:

Thứ nhất, bổ sung thêm khối thi A1 gồm 3 môn: Toán, Lý, Tiếng Anh. Khối thi mới bên cạnh khối A cho một số ngành có nhu cầu tuyển sinh sẽ giúp mở rộng đối tượng dự thi, nhất là ở các chuyên ngành đào tạo cần tiếng Anh.

Thứ hai, thêm cụm thi Hải Phòng, mở rộng cụm thi Vinh. Ngoài việc tổ chức 3 cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT bổ sung cụm thi Hải Phòng, do Trường ĐH Hàng Hải làm trưởng cụm, tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP. Hải Phòng và Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại Trường ĐH Hàng Hải và các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cho phép thí sinh tại cụm thi Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TP. Hồ Chí Minh; thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nguyện vọng học tại trường ĐH Vinh hoặc các trường ĐH đóng tại Hà Nội như những năm trước.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi xét tuyển. Thí sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển không giới hạn đến các trường khác nhau và các trường sẽ xét tuyển nhiều lần mà không bị hạn định về thời gian mỗi đợt xét tuyển hay bắt buộc điểm xét tuyển lần sau phải cao hơn lần trước. Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển vào trường nhập học, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai điều kiện xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ, thời gian công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, chỉ tiêu cần tuyển, ngành và khối xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển...

Thứ tư, các trường đặc thù có thể tuyển sinh trung cấp. Theo Thông tư 57 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ được áp dụng bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2012, các trường ĐH không được phép tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, Bộ sẽ xem xét cụ thể đề nghị của từng trường, đáp ứng nguyện vọng thật sự của người học và người dạy, có thể điều chuyển để một số trường ĐH đặc thù về văn hóa - nghệ thuật, các trường quốc phòng - an ninh, y - dược tiếp tục được tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp.

Thứ năm, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ĐH. Đối với thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn thi đoạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hai hướng: thứ nhất, nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn ĐH trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì được tuyển thẳng vào ĐH; thứ hai, nếu dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn CĐ đến dưới điểm sàn ĐH, không có môn nào bị điểm 0 thì được tuyển thẳng vào CĐ.

Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 cho các thí sinh tại tỉnh Dak Lak.  Ảnh: N.X
Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 cho các thí sinh tại tỉnh Dak Lak.

°Tiến sĩ có lời khuyên gì đối với các em học sinh khi chọn ngành học?

Khi quyết định lựa chọn ngành nghề nào đó, phụ huynh và các em học sinh cần chú ý đến 3 vấn đề sau: sự phù hợp năng lực của cá nhân; sự hứng thú, say mê với nghề và nhu cầu của xã hội. Khi lựa chọn ngành nghề học không nên chỉ dựa vào sở thích ngẫu hứng hoặc theo số đông bạn bè mà nên bắt đầu từ tìm hiểu về cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp để từ đó xác định mình thích nghề nào, tính cách, kinh nghiệm và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không? Sau đó nên tìm hiểu các thông tin về ngành nghề mình lựa chọn như: mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình đào tạo; ngành nghề đó có đặc điểm gì, những điểm nào làm mình thích thú; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, sức khỏe ra sao; học xong ra trường có thể làm gì, ở đâu; nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển của ngành nghề…

°Trường ĐHKT Đà Nẵng đào tạo những ngành nào, thưa Tiến sĩ?

- Trường ĐHKT Đà Nẵng ngoài thế mạnh về Kiến trúc còn là cơ sở đào tạo đa ngành. Năm 2012, Trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển căn cứ vào kết quả thi ĐH, CĐ của những thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT tại các trường có tổ chức thi.

Đào tạo đại học trường có 12 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị (xét tuyển khối V); Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất (xét tuyển khối V, H); Kỹ thuật công trình xây dựng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp), Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật hạ tầng đô thị), Quản lý xây dựng (xét tuyển khối A, A1, V); Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh (xét tuyển khối A, A1, B, D) và Ngôn ngữ Anh (xét tuyển khối D1).

Đào tạo cao đẳng có 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường - xét tuyển khối A, V), Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh (xét tuyển khối A, A1, B, D).

°Tiến sĩ nhận định thế nào về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp?

-Việc làm hiện nay là một bài toán giữa các cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng. Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là tiêu chí hàng đầu đối với lãnh đạo nhà trường. Vì vậy, nhà trường chú trọng hoàn thiện Chương trình đào tạo đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của ngành đào tạo để sinh viên ra trường có thể làm tốt công việc của mình, có đủ năng lực tự học, tự nghiên cứu và học lên trình độ cao hơn. Ngoài ra, Chương trình còn cung cấp các kỹ năng mềm giúp sinh viên chủ động, tự tin khi tham gia phỏng vấn cũng như tiếp cận tốt với môi trường làm việc trong công sở, doanh nghiệp, gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Đồng thời, sinh viên còn được trang bị các “kỹ năng công cụ” (tin học, ngoại ngữ) nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Với chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội thì sinh viên tốt nghiệp có nhiều lợi thế trong tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

°Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc