Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa y tế trên địa bàn: Cần hỗ trợ thêm cho y tế tư nhân

15:12, 04/01/2013

Thời gian qua, hoạt động xã hội hóa (XHH) y tế trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự đa dạng, phong phú các loại hình khám chữa bệnh (KCB), giúp người dân có thêm sự lựa chọn cơ sở dịch vụ chất lượng để chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ NGUYỄN PHI TIẾN, Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ với Báo Dak Lak một số nội dung xoay quanh hoạt động này.

* Bác sĩ có thể cho biết một vài nét về hoạt động XHH y tế ở tỉnh ta trong thời gian qua?

Phải nói rằng, công tác XHH về y tế trên địa bàn tỉnh được triển khai khá tốt. Những năm qua, song song với việc tiếp tục kiện toàn mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường phát triển nguồn nhân lực, củng cố các đơn vị y tế tuyến huyện, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, ứng dụng các kỹ thuật cao vào KCB, ngành Y tế còn kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào y tế tư nhân. Theo thống kê, từ khi có chủ trương XHH đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1.200 cơ sở hành nghề y, dược và y học cổ truyền, trong đó có trên 500 cơ sở y, gần 500 cơ sở dược và 159 cơ sở y học cổ truyền. Đáng chú ý, trên lĩnh vực khám chữa bệnh, đã có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) với công suất 400 giường bệnh, 17 phòng khám đa khoa triển khai được các dịch vụ kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể…, góp phần cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cho người dân lựa chọn. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ giường bệnh tư nhân của tỉnh nằm ở mức hơn 2 giường bệnh/vạn dân, bình quân mỗi năm có khoảng 600.000 lượt người đến KCB tại các cơ sở y tế tư nhân (chiếm khoảng 20% trong tổng số lượt người KCB chung của hệ thống y tế địa phương). Hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân đã giúp giảm tải một lượng lớn bệnh nhân cho các cơ sở y tế công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế và là động lực để các bệnh viện, phòng khám đầu tư nâng cao chất lượng KCB, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

* Để thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia vào hoạt động y tế, tỉnh ta đã có những chính sách ưu tiên, khuyến khích gì, thưa bác sĩ?

Đối với việc thực hiện XHH y tế, tỉnh ta được xem là một trong những địa phương có chế độ thu hút tương đối tốt. Cụ thể, đối với y tế công lập, tỉnh đã đề ra chính sách đãi ngộ cán bộ y tế về công tác ở vùng sâu vùng xa, y tế cơ sở và một số chuyên ngành đặc thù khó khăn như lao, HIV, tâm thần, y tế dự phòng. Đối với y tế tư nhân, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế để phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, tỉnh còn thực hiện công khai thủ tục hành chính và giải quyết nhanh chóng các hồ sơ đăng ký xây dựng bệnh viện, phòng khám tư trên địa bàn.

* XHH y tế phát triển đồng nghĩa với việc ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở y tế tư nhân. Vậy ngành có biện pháp quản lý như thế nào để bảo đảm chất lượng đi cùng với số lượng, thưa bác sĩ?

Trong quá trình thực hiện XHH y tế đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Sự phát triển của các cơ sở y tế tư nhân cả về số lượng lẫn loại hình hành nghề đã dẫn đến hiện tượng dịch chuyển nguồn nhân lực có chất lượng từ y tế công sang y tế tư ngày càng trở nên phổ biến (từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 52 cán bộ, bác sĩ chuyển từ công lập sang tư nhân), tạo áp lực về nguồn nhân lực y tế công. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh thì vấn đề quản lý nhà nước trên lĩnh vực này cũng cần phải được tăng cường hơn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh. Song cái khó là lực lượng thanh tra không nhiều trong khi y tế tư nhân trải rộng từ tỉnh đến huyện, xã. Để khắc phục, Sở đã chỉ đạo các phòng y tế huyện, thị xã, thành phố tham gia hoạt động này và việc phân cấp quản lý được quy định cụ thể. Theo đó, Sở thực hiện việc kiểm tra các cơ sở có quy mô lớn, còn các cơ sở vừa và nhỏ thì chịu sự quản lý, kiểm tra trực tiếp của các phòng y tế địa phương.

* Trong bối cảnh điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, theo bác sĩ cần có những giải pháp nào để đẩy mạnh hoạt động XHH y tế?

Tỉnh cần hỗ trợ thêm cho các cơ sở y tế tư nhân để tạo tính pháp lý tốt hơn cho những người hành nghề y dược tư nhân yên tâm về tính bảo hộ. Đồng thời, phải thay đổi nhìn nhận về y tế tư nhân, coi y tế tư nhân là một bộ phận không thể tách rời của ngành Y tế. XHH là chủ trương đúng đắn, vì thế dù người bệnh KCB ở cơ sở nhà nước hay tư nhân thì đều được Luật KCB chi phối. Muốn làm được điều này thì phải có chủ trương thích hợp, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược trên địa bàn tỉnh như: phát triển bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu chuyên khoa; điều tiết, đào tạo nguồn nhân lực cho bệnh viện, phòng khám tư nhân phù hợp với thực tiễn; xử lý tốt các vấn đề về vệ sinh môi trường, chất thải, nước thải y tế… Nói tóm lại, nếu công tác quản lý nhà nước tốt, ý thức các cơ sở KCB tốt thì chủ trương XHH chắc chắn sẽ triển khai hiệu quả.

*Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.