Multimedia Đọc Báo in

Đồng tiền biết “tu”

10:47, 03/05/2013

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuần Việt Nam (theo Vietnam Net ngày 24-10-2011), trước một câu hỏi đưa ra thật bất ngờ: “Đồng tiền có biết tu không?”. Giáo sư Cao Huy Thuần - “một cây đại bút” (chữ dùng của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn) đã quá quen thuộc với nhiều người - có câu trả lời cũng bất ngờ không kém: “Biết! Mà tu rất giỏi. Đắc đạo như chơi!”.

Xem trong sử sách, ta thấy các hàn nho thuở trước thường có thái độ coi khinh đồng tiền, ngại nhắc tới chuyện tiền nong, vì như thế có khi làm hạ uy tín bậc quân tử. Người quân tử “thực bất cầu bão, cư bất cầu an” (ăn chẳng cần no, ở chẳng cần yên) huống hồ là chuyện tiền bạc. “Cái nhìn coi khinh đồng tiền chính là một thái độ điển hình phản ánh cái quan niệm coi khinh chữ “lợi” trong đạo đức Nho giáo” (PGS Trần Hữu Quang). Thậm chí cực đoan hơn, có khi còn đem đối lập đồng tiền với nhân nghĩa,  như Mạnh Tử từng nói rằng: “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”, nghĩa là muốn giữ đức nhân thì đừng ham giàu, mà hễ làm giàu thì coi như bỏ đức nhân.

Bây giờ thì đã khác,  đồng tiền đã có “vị thế” cao trong xã hội. Từ chỗ coi khinh, nhiều người quay ra “thờ phụng” đồng tiền, cung phụng kẻ lắm tiền nhiều của. Thế là dẫn đến hình thành nên trong xã hội một lớp người  kiếm tiến bằng đủ mọi cách, kể cả bất chính, bất minh. Mà “tiền (bất chính) đi đến đâu, đạo đức suy đồi đến đó, giá trị nào cũng có thể đem ra mua bán” (Cao Huy Thuần).

Coi khinh hay tôn thờ tiền bạc đều là thái độ không phù hợp. Bản thân đồng tiền không có lỗi, vấn đề ở chỗ con người chiếm hữu và sử dụng nó bằng cách nào và như thế nào mà thôi.

Ngày nay những đồng tiền bất chính, bất minh có nhiều không? Chẳng ai đưa ra được một con số cụ thể nhưng chắc chắn là nhiều, thậm chí là rất nhiều. Những đồng tiền bất chính ấy lại được đem ra sử dụng vào những việc bất chính nữa thì xã hội không rối ren mới là điều lạ.

Có lẽ với hy vọng hướng  đồng tiền vào những việc thiện, giảm bớt tai ương,  Giáo sư Cao Huy Thuần đã đưa ra khái niệm “đồng tiền biết tu” chăng? Con đường “đi tu” của đồng tiền chính là được sử dụng vào những việc từ thiện, cho những công trình văn hóa, phúc lợi công cộng... Và cũng theo ông, đây là con đường “tu” của đồng tiền biết sám hối!

Tất nhiên, “biết tu” cũng chỉ là một trong nhiều “con đường lương thiện” của đồng tiền chứ không phải là con đường duy nhất. Mặt khác, đồng tiền đem làm việc thiện mà ồn ào, ầm ĩ, phô trương, thậm chí đến mức hợm hĩnh như một số hiện tượng gần đây mà báo chí và dư luận đã và đang lên tiếng phê phán thì đồng tiền đó chắc cũng khó mà “đắc đạo” được. Không những không “đắc đạo” mà có khi chủ nhân còn đem tiền để mua lấy điều thị phi!

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc