Gia đình và bạo lực gia đình
Có thể nói, ở khía cạnh nào đó, sự tồn tại song song của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bên cạnh Luật Hôn nhân và gia đình đã nói lên rằng, bạo lực gia đình không còn là hiện tượng cá biệt, đơn lẻ mà đã trở thành hiện tượng xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau.
Dưới góc độ xã hội học, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mang đặc trưng là quan hệ tình cảm – khác với các quan hệ xã hội khác có đặc trưng là quan hệ chức năng. Gia đình cũng là một nhóm xã hội với những nhu cầu và lợi ích khác nhau của các thành viên. Nhưng vì ràng buộc bởi quan hệ tình cảm nên xung đột, bất đồng nếu có xảy ra thì cách thức giải quyết xung đột cũng thường được giải quyết trên cơ sở của sự độ lượng, của tình nhân ái bao dung. Lời nói đầu của Luật Hôn nhân và gia đình cũng ghi nhận: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, “cái nôi nuôi dưỡng con người”, “tế bào của xã hội” cũng đang bị va đập, chịu nhiều thách thức khi các chuẩn mực, các giá trị xã hội đang bị xáo trộn. Trong thời gian gần đây, các vụ việc như cha mẹ hành hạ con cái, con cái ngược đãi cha mẹ, chồng giết vợ, vợ đốt chồng, anh chị em trong nhà hành hung lẫn nhau… ngày càng xuất hiện nhiều. Đó là những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng.
Bạo lực luôn không được khuyến khích, đặc biệt trong môi trường gia đình. Gia đình là môi trường quan trọng, đầu tiên mà cá nhân thực hiện quá trình quan sát, tiếp thu những mô hình hành vi, những kinh nghiệm, giá trị, chuẩn mực xã hội để từ đó hình thành nhân cách. Do vậy, nếu trẻ chứng kiến bạo lực hằng ngày, đến một lúc nào đó, rất có thể chúng sẽ cho rằng bạo lực là cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất trong giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Thực tế cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ người vị thành niên vi phạm pháp luật có môi trường gia đình bạo lực.
Mỗi thành viên trong gia đình cần được bảo vệ, thoát khỏi sự đe dọa của bạo lực. Đây không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân mà còn là vấn đề xã hội. Mong sao, “mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội” như mục tiêu mà Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề ra.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc