Cuối năm 2014 sẽ hoàn thành điều chỉnh và giải quyết chế độ người có công theo pháp lệnh mới
Cùng với cả nước, tỉnh Dak Lak đang nỗ lực đưa Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công (ban hành ngày 16-7-2012) đi vào cuộc sống. Nhằm giúp các đối tượng hiểu rõ hơn về chính sách ưu đãi, phạm vi điều chỉnh, lộ trình thực hiện của tỉnh, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG, Giám đốc Sở LĐTB&XH về những nội dung này.
°Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Sở LĐTB&XH đã triển khai Pháp lệnh số 04 như thế nào, thưa ông?
- Chính phủ và Bộ LĐTB&XH đã ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh số 04. Căn cứ các văn bản này, sở LĐTB&XH tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm chuyển tải những nội dung sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh, những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công và thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ mà Nghị định 31/2013/NĐ-CP, Thông tư 05/2013/TT-LĐTBXH đã hướng dẫn để giúp người dân có cơ sở lập hồ sơ được kịp thời, đúng đối tượng. Song song với việc trên, sở đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác LĐTB&XH của các xã, phường, thị trấn và lãnh đạo UBND cấp xã bởi vì việc lập hồ sơ giải quyết chế độ bắt đầu từ cấp xã, nên đội ngũ này phải nắm chắc các nội dung, thủ tục để hướng dẫn đối tượng thiết lập hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng. Chúng tôi cũng đã tập trung rà soát hồ sơ và chủ động phân loại các nhóm đối tượng (nhóm đủ điều kiện để hưởng chế độ, nhóm đối tượng cần phải bổ sung hồ sơ, nhóm đối tượng phải thiết lập hồ sơ mới). Trên cơ sở kết quả rà soát, tiến hành áp dụng chế độ vào từng loại đối tượng cụ thể để từ đó ban hành quyết định giải quyết chế độ hưởng trợ cấp theo đúng quy định của Pháp lệnh.
°Với những điều chỉnh của Pháp lệnh, đối tượng thụ hưởng chính sách, mức thụ hưởng tăng sẽ hơn so với trước. Ngành LĐTB&XH đã xây dựng lộ trình thực hiện cũng như ưu tiên giải quyết chế độ cho nhóm đối tượng nào trước?
-Thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 ngàn đối tượng là người có công và thân nhân thuộc phạm vi điều chỉnh theo Pháp lệnh, tăng hơn so với trước, trong đó có gần 6 ngàn đối tượng thuộc nhóm được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần; hơn 1 ngàn đối tượng thuộc nhóm được hưởng trợ cấp hàng tháng và gần 3 ngàn đối tượng đang hưởng chế độ thuộc nhóm phải điều chỉnh lại chế độ trợ cấp theo quy định. Sở LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch rà soát lại các nhóm đối tượng, giải quyết chế độ theo lộ trình: Đối với nhóm đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì tiến hành thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ từ nay đến 31-12-2013 cơ bản hoàn thành (bao gồm các đối tượng người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã giải quyết chế độ một lần; trợ cấp người phục vụ Mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên 81%; tuất từ trần đến tuổi hưởng). Đối với nhóm đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc diện phải điều chỉnh lại chế độ (mức hưởng) sẽ hướng dẫn quy trình và tổ chức điều chỉnh từ nay đến hết quý II-2014 phải hoàn thành (gồm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ đang hưởng chế độ hàng tháng, tuất liệt sĩ, tuất từ trần các loại). Đối với nhóm đối tượng hưởng trợ cấp mỗi năm một lần, sẽ thiết lập hồ sơ giải quyết từ nay đến hết quý IV-2014, gồm thân nhân thờ cúng liệt sĩ (là đối tượng giải quyết hồ sơ mới). Các nhóm đối tượng trên đều được hướng dẫn thiết lập hồ sơ thực hiện bắt đầu từ tháng 7-2013, tuy nhiên đối với nhóm đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng; nhóm đối tượng đang hưởng chế độ thuộc diện phải điều chỉnh mức trợ cấp thì tập trung giải quyết sớm, vì liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày và các chế độ khác của đối tượng. Theo lộ trình, đến cuối năm 2014 việc điều chỉnh chế độ và giải quyết chế độ theo Pháp lệnh, Nghị định 31/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh phải được hoàn tất.
°Để chính sách mới này đi vào cuộc sống, ngoài nỗ lực của ngành LĐTB&XH, theo ông cần có sự hỗ trợ, phối hợp như thế nào của các cấp, ngành, địa phương liên quan?
-Theo quy định mới, các quy trình, thủ tục để xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành danh mục tình trạng dị dạng, dị tật, nên việc hướng dẫn thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với những trường hợp này còn vướng. Đặc biệt là vấn đề điều chỉnh mức hưởng đối với nhóm đối tượng chất độc hóa học, theo quy định thì những đối tượng đang hưởng chế độ hàng tháng sẽ được điều chỉnh từ 2 mức như hiện nay thành 4 mức hưởng theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Như vậy, sẽ có những trường hợp mức hưởng bị giảm so với trước, nên việc đơn thư kiến nghị, thắc mắc trong vấn đế này sẽ khó tránh khỏi. Đối với nhóm đối tượng hưởng trợ cấp mỗi năm một lần (thờ cúng liệt sĩ) cũng gặp khó khăn trong việc xác định thân nhân thờ cúng liệt sĩ. Khi lập hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể cho người đại diện được gia đình họ tộc ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp về việc hưởng chế độ. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số đối tượng là người hoạt động kháng chiến, nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ vì mất hết giấy tờ gốc. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của ngành LĐTB&XH cần có sự tham gia của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh, đặc biệt là sự phối hợp của cơ quan truyền thông, y tế và chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục thiết lập hồ sơ, giải quyết chế độ. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục dị dạng, dị tật để có cơ sở giải quyết chế độ đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Bộ LĐTB&XH có hướng dẫn cụ thể đối với những đối tượng tham gia kháng chiến nhưng hiện nay bị mất hết giấy tờ gốc để địa phương có cơ sở giải quyết chế độ.
°Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc