Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak là tỉnh đầu tiên trong cả nước chi viện máu ra Hà Nội

09:13, 20/07/2013

Trong những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo tại Dak Lak đã có những kết quả rất tích cực và đã được trung ương ghi nhận. Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện của tỉnh đã vận động được 64.150 lượt người tham gia và tiếp nhận được 46.999 đơn vị máu, tương đương với 11.749,75 lít máu. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM TUẤN DƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương về những thành quả của tỉnh Dak Lak trong công tác hiến máu nhân đạo. 

Thưa ông! Xin ông cho biết tình trạng thiếu máu trong cả nước hiện nay ?

- Theo thống kê của chúng tôi, tại các thành phố lớn của cả nước như Hà Nội, Hồ Chí Minh… tình trạng thiếu nguồn máu diễn ra căng thẳng nhất là vào hai thời điểm trong năm: mùa đông và mùa hè. Năm nay tình trạng thiếu máu vào mùa hè đã bắt đầu và có dấu hiệu khá căng thẳng khi nguồn cung máu bắt đầu thiếu hụt. Hiện nay theo thống kê của chúng tôi thì mỗi một ngày cần trung bình khoảng 3.000 đơn vị máu trên toàn quốc. Thế nhưng vào mùa cao điểm, chỉ đủ cung cấp khoảng 1.000 đến 1.500 đơn vị máu.

Vậy Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã có biện pháp gì  để giảm thiểu tình trạng thiếu máu vào hai thời điểm căng thẳng này, thưa ông?

- Đứng trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam, cũng như các ý tưởng về hiến máu tình nguyện từ cộng đồng, Viện Huyết học Trung ương quyết định thực hiện một hành trình xuyên Việt nhằm kêu gọi người dân quan tâm đến việc hiến máu cứu người, cũng như vận động được những nguồn máu nhằm cung cấp cho hành trình, đó chính là “Hành trình đỏ”; với mục tiêu lớn nhất của hành trình chính là san sẻ máu cho những nơi đến cũng như hướng tới một điều lớn nhất là mọi người bệnh đều có máu. Mọi người đều biết máu là quí và cần, thế nhưng đó là quí và cần cho riêng mình. Còn khi những giọt máu được hiến tặng và truyền cho người khác thì đó là thuốc. Đặc biệt đối với những người mắc căn bệnh thalessami, bệnh tan và thiếu máu bẩm sinh, thì nguồn máu nhân đạo chính là sinh mạng của họ. “Hành trình đỏ” là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu có thể xảy ra trên toàn quốc vào dịp hè 2013, đồng thời là hoạt động truyền thông tích cực góp phần đưa cả nước đạt được đơn vị máu thứ 1.000.000 cho công tác cấp cứu, điều trị trong năm 2013.

Ông đánh giá thế nào về phong trào hiến máu tình nguyện của Dak Lak trong thời gian qua?

- Phong trào hiến máu trong cả nước đã có những hiệu quả nhất định, nhưng riêng về tỉnh Dak Lak tôi có thể nói dài hơn một chút. Trong “Hành trình đỏ” có nhiều đơn vị thì đây là lần đầu tiên họ thực hiện một ngày hội hiến máu tình nguyện. Thế nhưng ngay từ năm 2010, phong trào hiến máu tại tỉnh Dak Lak đã phát triển một cách sâu rộng, bằng các ngày hội, lễ hội hiến máu… Các phong trào đó đã thu hút nhiều công chức, cán bộ, đoàn viên thanh niên và tầng lớp nhân dân tham gia. Và từ những kết quả đã đạt được, phong trào đã tạo dựng được một nguồn máu khá lớn đủ để cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và đặc biệt hơn Dak Lak chính là tỉnh đầu tiên cung cấp nguồn máu ra Hà Nội, để Hà Nội có thể điều chế và cung cấp ngược lại cho các bệnh viện lớn và các tỉnh vùng xung quanh, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, thậm chí là tận Lào Cai… Tính riêng từ 2010 đến nay, Dak Lak là tỉnh duy nhất và thường xuyên cung cấp máu ra Hà Nội, tuy chưa có thống kê chính xác thì Dak Lak đã cung cấp trung bình khoảng 5.000 đơn vị máu. Có thể nói Dak Lak là địa phương đầu tiên làm công tác điều hòa và cung cấp máu cho các bệnh viện lớn trong cả nước. Có thể Dak Lak chưa phải là một tỉnh giàu có nhất hiện nay nhưng về việc chia sẻ lòng nhân ái theo tôi Dak Lak là tỉnh số một.

Phong trào hiến máu tình nguyện luôn thu hút đông đảo người dân tham gia.  Ảnh: Hoàng Gia
Phong trào hiến máu tình nguyện luôn thu hút đông đảo người dân tham gia.

Vậy trong thời gian tới theo ông cần có những biện pháp gì để phát huy tinh thần hiến máu vì cộng đồng ?

- Trong nhiều năm qua nhiều bệnh viện và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vẫn chưa có phương pháp gì hữu hiệu để bảo đảm có nguồn máu dự trữ cho hai mùa cao điểm và Hành trình đỏ có lẽ là một giải pháp rất hữu hiệu và rất cần phát huy thường xuyên. Tất nhiên chúng ta cũng không trông chờ vào một chuyến hành trình mà bảo đảm nguồn máu cho cả năm mà cần phát huy tinh thần hiến máu cứu người tới người dân và phát huy thành phong trào lớn trong xã hội thì chắc chắn tình trạng thiếu máu sẽ được giải quyết. Đặc biệt là các địa phương nên thường xuyên vận động chương trình hiến máu từ đó sẽ giải quyết được tình trạng thiếu máu tại địa phương, ngoài ra cũng san sẻ cho các bệnh viện lớn tại các Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh… 

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ vừa rồi !

Các thành phố lớn lại là nơi tập trung rất nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa, như các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy… sử dụng nhiều công nghệ hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra một lý do quan trọng nhất chính là nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới đều tập trung chuyển về đây, từ đó tạo ra sự quá tải ở các bệnh viện. Bệnh nhân nhiều, nên nhu cầu về máu để cấp cứu, điều trị cho người bệnh sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với những nơi khác.

Hoàng Gia (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.