Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao tỷ lệ người cận nghèo tham gia Bảo hiểm y tế

18:44, 21/07/2013

Người thuộc hộ cận nghèo là một trong những đối tượng chính sách xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi ốm đau, bệnh tật. Thế nhưng, việc huy động người cận nghèo (NCN) tham gia BHYT ở tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh xoay quanh nội dung này.

Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh

* Ông có thể cho biết đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có bao nhiêu NCN tham gia BHYT?

Đến hết tháng 6 năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 7.000 NCN tham gia BHYT. Con số này mặc dù có tăng so với cùng kỳ năm 2012, nhưng so với tổng số khoảng 154.000 NCN của tỉnh thì vẫn còn rất ít, chỉ chiếm gần 4,6%. Trên thực tế, số NCN tham gia BHYT trong năm nay tăng hơn năm 2012 một phần do Chính phủ đã quyết định tăng mức hỗ trợ mua BHYT đối với đối tượng này từ 50% lên 70%.

* Mặc dù nhận được sự hỗ trợ rất lớn khi tham gia BHYT, song không ít NCN vẫn thờ ơ với BHYT. Theo ông nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ đâu?

Nếu nói NCN thờ ơ với BHYT thì cũng chưa hẳn đúng, bởi sau khi chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương trong tỉnh, nhiều NCN vẫn biết đây là chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước giành cho họ, nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn khiến họ không thể tham gia BHYT, mặc dù chỉ phải đóng 30%. Với không ít người, trong điều kiện khó khăn thì số tiền mua BHYT sẽ để sử dụng vào những việc khác cần thiết hơn, cho đến khi thực sự ốm đau người ta mới nghĩ đến việc tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi. Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa cần phải nói đến là công tác tuyên truyền. Trong việc huy động NCN nói riêng và người dân nói chung tham gia BHYT thì tuyên truyền là quan trọng bậc nhất. Trên thực tế, nếu như chính sách tốt mà tuyên truyền không tốt thì chính sách ấy cũng không đến được với người dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền không phải một sớm một chiều là xong mà phải được thực hiện liên tục với mọi hình thức ngày càng gần gũi với người dân. Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chương trình tuyên truyền về BHYT, trả lời đơn thư bạn đọc qua hộp thư truyền hình. Đồng thời, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với đài truyền thanh tại xã, phường phát liên tục đĩa tuyên truyền về BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chuyển vào; rồi tuyên truyền bằng tờ rơi, áp phích, panô và hệ thống đại lý.

Hiện nay, nhiều NCN chỉ mua BHYT khi bị ốm đau. Ảnh minh họa: K.O
Hiện nay, nhiều NCN chỉ mua BHYT khi bị ốm đau. Ảnh minh họa: K.O

* Rõ ràng công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, song tỷ lệ NCN tham gia BHYT vẫn thấp, thậm chí là rất thấp. Phải chăng công tác tuyên truyền của chúng ta chưa đạt được đích, chưa đến được với đối tượng cần tuyên truyền?

Theo tôi nghĩ, điều đó phần nào cũng đúng, vì thực ra ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc truyền thông trực tiếp đến đối tượng chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống đại lý BHYT. Đại lý BHYT là những người được các xã, phường giới thiệu và được chúng tôi tập huấn các kỹ năng, cấp giấy chứng nhận, cấp thẻ để hoạt động; họ sẽ thay chúng tôi tuyên truyền các chủ trương, chính sách về BHYT đến người dân và được hưởng một phần hoa hồng nhất định. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì công tác tuyên truyền của đội ngũ này vẫn chưa thực sự tạo được hiệu quả, bởi với tỷ lệ trung bình mỗi xã, phường có một đại lý như hiện nay thì hệ thống này chưa đủ mạnh. Hơn nữa năng lực của các đại lý chưa đồng đều. Thực ra, với một đại lý tâm huyết thì khi bán thẻ BHYT cho người dân, các đại lý phải theo dõi đến kỳ nào thẻ hết hạn và trước khi hết hạn thì phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động các đối tượng tiếp tục tham gia mua thẻ. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ đại lý của chúng tôi chưa làm được điều này, đa số chỉ ngồi chờ người dân đến mua thì bán nên hiệu quả không đạt được như kỳ vọng.

* Theo ông, để NCN tích cực tham gia BHYT, giải pháp nào là cần thiết lúc này?

Muốn đạt tỷ lệ NCN tham gia BHYT cao hơn thì cần phải có một quá trình. Song trước mắt phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vì đây là kênh quan trọng để người dân tiếp cận và hiểu được những chính sách hỗ trợ về BHYT. Còn về lâu dài, cần phải phát triển mạnh hệ thống đại lý bằng nhiều cách từ khâu lựa chọn đại lý cho đến việc nâng cao trình độ, năng lực…Có lẽ, khi kết hợp được những yếu tố này thì đối tượng NCN trên địa bàn sẽ tham gia BHYT nhiều hơn.

*Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.