Multimedia Đọc Báo in

Cần phải kỹ lưỡng, chính xác, chặt chẽ trong chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường châu Âu

10:05, 06/05/2014

Vừa qua, UBND tỉnh đã giao cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột xây dựng các nội dung thông tin, tài liệu về đặc thù của sản phẩm, vùng sản xuất và kinh doanh cà phê... nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường châu Âu. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bà JANA HERCEG, Phó Ban Kinh tế - Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Thưa bà, bà có thể cho biết sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tại EU?

Để nâng cao tên tuổi và giá trị cho sản phẩm thì nó rất là cần thiết. Lấy ví dụ như một người tiêu dùng châu Âu đến siêu thị và mua sản phẩm: Trên giá trưng bày có 5 sản phẩm khác nhau về cà phê và họ sẽ không sẵn sàng trả thêm tiền cho một sản phẩm, nếu như họ không biết tên tuổi, nơi sản xuất và chuỗi giá trị đằng sau của sản phẩm đó là như thế nào. Nhưng một khi họ biết được về tên tuổi của sản phẩm, cũng như chuỗi giá trị sản xuất của nó, ở đây cụ thể là Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, thì họ sẵn sàng trả thêm tiền cao hơn để mua sản phẩm. Đây là một cách để tăng thêm giá trị gia tăng cho toàn bộ chuỗi sản xuất của sản phẩm cà phê.

- Bà có lời khuyên nào cho quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam?

Chúng ta phải có những công đoạn chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và làm việc hết sức chính xác nhằm đáp ứng được những yêu cầu rất cụ thể và chặt chẽ của EU; chúng ta cần phải có sự tham gia ngoài những nhà sản xuất, các hiệp hội, chính quyền địa phương thì còn có người tiêu dùng và các bên liên quan khác cùng quan tâm và có những mối lợi ích đến việc đăng ký GI. Về quy trình nộp hồ sơ đăng bạ là một quy trình rất dài và phức tạp nên phụ thuộc rất lớn vào việc hồ sơ của chúng ta được lập như thế nào, để khi EU thẩm định và đánh giá có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu được đặt ra. Ví dụ, đối với trường hợp của thương hiệu Nước mắm Phú Quốc phải mất đến 5 năm nhưng sau khi được đăng bạ thì sản phẩm sẽ có tên tuổi, thương hiệu, có khả năng xúc tiến và bán với giá cao hơn…

- Vậy hiện EU có chính sách hỗ trợ gì trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam không, thưa bà?

Hiện EU có một số hoạt động hỗ trợ về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Việt Nam, như: tổ chức các cuộc hội thảo về chỉ dẫn địa lý tại các tỉnh, triển khai các dự án của Ban Quản lý Dự án hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP)… Ngoài ra, thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đang được đàm phán thì việc đăng bạ sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn so với việc chúng ta đăng bạ ở Việt Nam trước và EU sau.

Ngoài ra việc thực hiện hồ sơ còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, những người có mối quan tâm và quyền lợi trực tiếp về chỉ dẫn địa lý. Để từ đó, họ lên tiếng hoặc có thể đề xuất lên các nhà đàm phán của chính phủ, để đưa thêm những nội dung cần thiết vào trong nội dung đàm phán. Theo tôi, nếu làm được điều này thì sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho các địa phương khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

- Bà đánh giá như thế nào về khả năng thành công việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam tại châu Âu?

Với danh tiếng và tầm quan trọng của sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng đăng bạ của Chỉ dẫn địa lý thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tại châu Âu. Tuy nhiên để đạt được điều đó, còn tùy thuộc vào khả năng xây dựng hồ sơ của chúng ta, làm sao cho đầy đủ, hoàn chỉnh, bảo đảm tính pháp lý. và được chấp nhận; cũng như khả năng đáp ứng được yêu cầu của Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) tại Việt Nam và quy trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu sau khi được đăng bạ.

-Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

Hoàng Gia – Minh Thông (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc