"16 nghìn tỷ đồng chứ hơn nữa cũng được"
Tình hình Biển Đông đang nóng trên thực địa và cả trên diễn đàn Quốc hội. Chưa có khi nào, tại diễn đàn của cơ quan lập pháp tối cao mà các đại biểu nói nhiều đến câu chuyện Biển Đông như vậy. Và lần này khác với nhiều kỳ họp trước, chưa bao giờ Quốc hội lại đồng thuận đến thế về việc tăng chi ngân sách Nhà nước.
Thực ra, chi cho kiểm ngư, ngư dân và cảnh sát biển để họ yên tâm bám biển, giữ biển là việc chúng ta vẫn làm thường xuyên, liên tục. Chỉ có điều, với lần đấu tranh này, chúng ta thấy rõ một thực tế là các lực lượng chấp pháp trên biển của ta và kể cả ngư dân ta rất can trường, dũng cảm bám biển. Ngày ngày các lực lượng chấp pháp và ngư dân vẫn hiên ngang đối đầu với một lực lượng tàu thuyền hết sức đông đảo của Trung Quốc, được trang bị hiện đại và vô cùng hung hăng đã nhiều lần đâm va thậm chí lúc chìm tàu thuyền, gây nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân và chiến sĩ. Vì thế, việc đầu tư cho ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển để hiện đại hóa việc đánh bắt cá và giữ vững chủ quyền giờ đã trở thành yêu cầu cấp bách.
Vẫn biết “mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhưng từ việc Quốc hội thống nhất cao việc chi 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân, cảnh sát biển, nhìn lại những ý tưởng "khủng" của Bộ VH-TT&DL như Đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020, với tổng số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng, hay trước đó là đề xuất chi 35 nghìn tỷ đồng để đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT mới thấy lạc lõng làm sao. Việc ấy giải thích vì sao những ý tưởng, đề án "khủng" ấy không được cơ quan lập pháp cao nhất thông qua, nhưng với đề án chi hỗ trợ cho ngư dân và cảnh sát biển lại được nhanh chóng thống nhất. 16 nghìn tỷ đồng là khoản ngân sách không nhỏ, nhưng rõ ràng Quốc hội đã nhìn thấy được tính cấp bách của vấn đề an ninh, an toàn hàng hải và xa hơn là việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bởi vậy, nhiều người cho rằng "16 nghìn tỷ đồng chứ hơn nữa cũng được" - là vì lẽ đó.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc