Đừng làm cho có!
09:10, 23/07/2014
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ pháp chế Bộ Y tế soạn thảo, trong đó có đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ đang được dư luận quan tâm, với những ý kiến tranh luận trái chiều.
Nhiều ý kiến tán thành đề xuất trên bởi mục đích của đề xuất này là tạo ra một hành lang pháp lý mạnh để hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu bia, nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành gia đình, mất an ninh trật tự và tai nạn giao thông... Song cũng có luồng dư luận phản đối, nghi ngờ tính khả thi của quy định này khi viện dẫn ra hàng loạt những bất cập, vướng mắc, như: liệu có đủ lực lượng xử phạt, hay ai sẽ giám sát, quản lý các cửa hàng, quán xá… Và dường như dư luận đang nghiêng về ý kiến thứ hai hơn, bởi tuy không phủ nhận mục đích tốt của Dự thảo cũng chẳng cần phải bàn cãi thêm về tác hại của rượu bia cùng với hàng loạt hệ lụy kéo theo, song vấn đề dư luận băn khoăn là liệu quy định này có thực sự đi vào cuộc sống hay lại rơi vào quên lãng như một số quy định khác cũng liên quan đến ngành Y tế như Thông tư 30 quy định người bán hàng rong phải khám sức khỏe và có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, đủ trang thiết bị và dụng cụ chế biến thực phẩm; hay như quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng... Có lẽ vì vậy mà dư luận tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của một số quy định của ngành Y tế được ban hành không căn cứ vào thực tế, chỉ làm theo kiểu “cho có”, còn việc quy định có đi vào cuộc sống không thì cứ để thực tế trả lời…
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc