Khi tình cảm và đạo lý Việt Nam được khơi dậy
Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đã xuống đường với băng rôn, khẩu hiệu thể hiện quyết tâm cùng đồng bào trong nước bảo vệ biển đảo quê hương. Đã lâu rồi, ta mới có dịp chứng kiến sắc cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tung bay rợp trời trên khắp các ngả đường, ngõ phố, các đường quê, các đại lộ, trước các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài. Cờ đỏ sao vàng, hình bản đồ nước Việt Nam thân yêu với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn có trên màu áo mặc, trên mũ đội đầu với những dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, “Tất cả vì Hoàng Sa, Trường Sa”.
Mấy tuần nay, trên các đường phố Buôn Ma Thuột, ta bắt gặp hình ảnh những xe vải thiều từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên chở vào có rất đông người mua. Mặc dù giá khá cao so với các loại trái cây khác, nhưng vải miền Bắc vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Ngoài lý do trái cây trong nước là sản phẩm sạch, trong khi trái cây nước ngoài (mà cụ thể là trái cây Trung Quốc) có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư hóa chất bảo quản quá mức cho phép nhiều lần… người tiêu dùng Buôn Ma Thuột còn tỏ thái độ rõ ràng: Mua vải thiều miền Bắc để ủng hộ, giúp người trồng vải vượt qua giai đoạn khó khăn khi Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu trái cây của Việt Nam.
Một sự kiện đáng chú ý là kỳ thi vào các trường đại học, cao đẳng vừa chấm dứt, nhưng dư âm của nó vẫn còn ngân mãi trong lòng những ai quan tâm đến sự kiện này. Đó là những hành động, nghĩa cử cao đẹp giữa thí sinh với thí sinh, giữa phụ huynh với thí sinh… nhưng trên hết là vẻ đẹp rạng ngời trong sắc áo xanh tình nguyện của hàng vạn thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Sắc áo xanh ấy xuất hiện ở bất cứ nơi nào có thí sinh: ở bến xe, trên các ngả đường, trước các điểm thi… để chăm lo, giúp đỡ thí sinh từ việc chỉ dẫn đường tới các điểm thi, đến phục vụ bữa ăn miễn phí, tìm chỗ trọ giá rẻ… Bóng áo xanh của thanh niên tình nguyện đã trở thành niềm tin, thành nơi cất giữ một kỷ niệm khó quên trong trái tim nhiều bạn trẻ đã từng trải qua những kỳ thi đại học…
Thế mới biết: một khi tình cảm và đạo lý của dân tộc Việt Nam ở mỗi con người Việt Nam được gợi dậy, được khơi mạch, thì nó sẽ bừng lên, như những ngọn lửa thổi bùng khí chất, tinh thần, cốt cách và tâm thế của con người ở một đất nước nghìn năm văn hiến. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tình thân ái… là những phẩm cách cao đẹp luôn thường trực trong tim mỗi con người trên mảnh đất hình chữ S; như những mạch ngầm, khi bình thường thì ẩn sâu trong lòng, nhưng đến khi được khơi dậy thì những phẩm cách ấy bùng lên, chói lòa. Ai không rưng rưng cảm động khi nghe tin chủ một đại lý kinh doanh nhà hàng ở Buôn Ma Thuột, cứ đến mỗi kỳ thi đại học lại nghỉ kinh doanh để dành ra 600 mét vuông làm chỗ ở miễn phí với đầy đủ chiếu chăn cho hàng trăm thí sinh về ở. Bà tự nguyện làm việc này đã 6 năm nay, chẳng cần ai vận động, không đợi ai khen thưởng. Rồi nữa, câu chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Thang năm nay gần 90 tuổi ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin xúc động trước sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đã tình nguyện ủng hộ số tiền mẹ được phụng dưỡng để các anh có thêm điều kiện làm tròn nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc… đã như một minh chứng cho lòng yêu nước đến cháy bỏng, đến tận cùng một tình yêu son sắt.
Với những phẩm cách và những tình yêu như vậy, với tình cảm và đạo lý Việt Nam được hun đúc, bồi dưỡng qua bao thế hệ; chúng ta tin rằng sẽ không có bất cứ một trở ngại nào, một khó khăn nào ngăn cản được dân tộc Việt Nam vươn tới tương lai. Điều còn lại là biết tập hợp tình cảm, tình yêu ấy thành một lực lượng vật chất, thành một khối đại đoàn kết để cuốn phăng mọi trở lực trên đường đi tới như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.
Trường Sa
Ý kiến bạn đọc