Nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những thế hệ cha anh đi trước
Tri ân, báo ân là truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã và đang được thể hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, trong đó có Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công đang được triển khai trong cả nước. Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2014), phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công tỉnh.
![]() |
† Là một trong những tỉnh triển khai sớm và nhận được sự đồng thuận cao, bà có thể cho biết những kết quả đã đạt được của Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công?
Đến cuối tháng 6-2014, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nội dung cho công tác tổng rà soát, như: thành lập Ban chỉ đạo các cấp, xây dựng kế hoạch thực hiện, tập huấn nghiệp vụ, tổng hợp số liệu, tổ chức rà soát thí điểm ở cấp xã... Theo báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB&XH (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo), hiện nay có hơn 90% huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện xong việc ghi phiếu rà soát ở thôn buôn, tổ dân phố và cấp xã. Hiện các địa phương đang tổng hợp phiếu, tiến hành phân tích, đánh giá kết quả rà soát.
† Vậy, về cơ bản đã đánh giá hoặc rút ra kinh nghiệm gì từ những kết quả rà soát này thưa bà?
Hiện đang trong quá trình tổng hợp phiếu, đánh giá kết quả, vì vậy, chưa có số liệu cụ thể để đánh giá tỷ lệ hưởng đúng, hưởng sai, hưởng chưa đầy đủ hoặc chưa được hưởng chế độ cho các nhóm đối tượng thuộc diện rà soát đợt này. Nhưng qua kết quả rà soát thí điểm ở 15 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố cho thấy cơ bản các địa phương đã triển khai tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, qua rà soát còn nhận được phản ánh có những trường hợp tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ, cũng có trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ người có công… UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổng hợp, kiểm tra, xem xét các thông tin để có hướng giải quyết sau khi có kết quả tổng rà soát chung trong toàn tỉnh.
† Tại những đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp gần đây vẫn còn ý kiến thắc mắc, kiến nghị xung quanh việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, theo bà nguyên nhân là do đâu?
Để xác định chính xác tất cả đối tượng hưởng đúng, hưởng đầy đủ, hưởng sai hoặc chưa được hưởng chế độ đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ đủ năng lực, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương chính sách đối với người có công. Nhưng hiện tại nhiệm vụ rà soát lại giao cho cán bộ các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn, tổ dân phố dẫn đến lúng túng trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin. Một bất cập nữa, ngoài 7 nhóm đối tượng thuộc diện rà soát, quá trình thực hiện chương trình còn phát hiện người trước đây có tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ, tuy nhiên trường hợp này biết được là do cán bộ điều tra nắm bắt, nhân dân phản ánh hoặc chính đối tượng cung cấp thông tin nên rất khó xác định tính chân thực (không có hoặc thiếu hồ sơ chứng minh). Chính sách ưu đãi đối với người có công bao gồm một hệ thống nhiều quy định phức tạp, vì vậy không ít trường hợp ngành chức năng đã giải quyết đúng chế độ nhưng đối tượng vẫn thắc mắc, kiến nghị để hưởng các ưu đãi khác, nhất là hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm thuế sử dụng đất...
† Từ thực tế của địa phương, theo bà cần có kiến nghị, đề xuất gì trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách để giải quyết khó khăn của một bộ phận người có công?
Để thực hiện tốt đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” cần phải có sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành LĐ-TBXH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổng hợp, phân tích, đánh giá số liệu một cách đầy đủ, chính xác, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết chế độ đầy đủ, kịp thời đúng quy định đối với những trường hợp chưa được hưởng, hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ người có công. Mặt khác phải xem việc giải quyết tốt chính sách đối với người có công là trách nhiệm, là nghĩa cử của thế hệ hôm nay nhằm tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu vì đất nước. Về phía Trung ương đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ (về chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên; chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công; chế độ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất đối với người có công...) để địa phương có cơ sở giải quyết chế độ được kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người, trong đó có trường hợp người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia kháng chiến nhưng chưa được giải quyết chế độ vì không có hồ sơ gốc hoặc hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP. Với những trường hợp này đề nghị cho vận dụng cơ chế người làm chứng để giải quyết chế độ chính sách bởi thời gian còn lại rất ít.
† Xin cảm ơn bà!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc