Thiếu nhân lực hay thiếu trách nhiệm?
Được biết, để hoạt động kiểm soát tải trọng xe được duy trì theo chế độ 24/7, tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh chia thành 3 ca trực/ngày, mỗi ca có 6 thành viên, gồm 2 CSGT, 2 thanh tra giao thông, 1 cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và 1 lái xe. Nhiệm vụ của các thành viên đã được phân công rõ ràng: CSGT có nhiệm vụ dẫn giải phương tiện vào trạm cân, thanh tra trực tiếp vận hành trạm cân, còn cảnh sát trật tự xã hội giải quyết các vấn đề an ninh trật tự liên quan đến hoạt động của trạm cân. Rõ ràng, với 6 người trong 1 ca trực, đó không phải là con số ít. Và dĩ nhiên, nếu ca trực nào cũng “tranh thủ chợp mắt” như vậy thì ai dám chắc rằng các phương tiện của trạm cân lưu động (được Bộ Giao thông Vận tải trang bị) trị giá khoảng 2 tỷ đồng có “bốc hơi” như chiếc máy tính kia?!. Thêm vào đó, nếu tất cả các thành viên ca trực đều “ngủ quên”, thì vào thời điểm đó ai sẽ là người đứng ra cân xe, hay chỉ lập trạm cân ra cho có? Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng xe quá tải vượt trạm cân. Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT của Chính phủ vừa diễn ra hồi cuối tháng 6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tỉnh nào, địa phương nào để “lọt xe quá tải” thì tỉnh, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, mà đứng đầu là trạm trưởng các trạm cân.
Theo biên bản tường trình của thành viên trong ca trực thì thời điểm mất máy vi tính không có xe chạy qua (khoảng 3 giờ sáng), tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên đó là thời điểm “vàng” để các phương tiện chở hàng hóa, nhất là vật liệu xây dựng lưu thông, bởi lúc đó vắng bóng lực lượng chức năng.
Rõ ràng, vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ là việc làm mất tài sản Nhà nước mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong ca trực nói riêng và đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động kiểm soát tải trọng xe nói chung, trong đó có trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm cân số 53.
Huệ Anh
Ý kiến bạn đọc