Multimedia Đọc Báo in

Để mô hình "Bác sĩ gia đình" phát huy hiệu quả

21:05, 23/08/2014
Thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2013 – 2020, kể từ ngày 15-7 vừa qua, mô hình BSGĐ được triển khai tại 8 địa phương trên cả nước.
 
Đây là tin vui đối với người dân vì một mô hình khám, chữa bệnh tiên tiến lần đầu tiên được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta. Khác với việc khám chữa bệnh dịch vụ mang tính nhất thời, BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao.

Ngoài việc khám sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật, cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng với phạm vi chuyên môn được phép, BSGĐ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính.

Thực ra mô hình BSGĐ đã phát triển ở nhiều quốc gia từ khá lâu. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho người bệnh, kịp thời phát hiện, sàng lọc và điều trị những căn bệnh thông thường cho người dân. Đối với nước ta, việc đưa vào khai thác mô hình BSGĐ còn hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, tạo thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, qua đó giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. Điều này được minh chứng rất rõ qua số liệu đánh giá bước đầu của Bộ Y tế về mô hình BSGĐ đã triển khai thí điểm tại các thành phố lớn ở nước ta thời gian qua: có đến 80% số người bệnh đến phòng khám BSGĐ thăm khám mà không phải đến bệnh viện. Không những thế, nếu thực hiện tốt hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho người bệnh, kinh phí bảo hiểm y tế; đồng thời tăng sự hợp tác điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế. Rõ ràng, với tình hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đang đan xen giữa các bệnh lây nhiễm với các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, các bệnh viện chưa đáp ứng kịp thì việc triển khai mô hình BSGĐ là rất phù hợp. Do đó, theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, Bộ Y tế sẽ thí điểm thành lập ít nhất 80 phòng khám bác sĩ gia đình tại các tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang và sau đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc. Thế nhưng, nhìn trên bình diện chung của mạng lưới y tế cơ sở hiện nay, nếu nhân rộng mô hình này trên cả nước với nhiều địa phương sẽ gặp không ít khó khăn, mà khó khăn nhất là các bệnh viện đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người dân vẫn chỉ hiểu đơn giản rằng khi đến phòng khám BSGĐ họ được khám nhanh hơn, kỹ hơn chứ chưa nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của quá trình theo dõi bệnh tình cũng như các vấn đề chăm lo sức khỏe khác mà BSGĐ mang lại. Hơn nữa, nếu không có cách tuyên truyền hiệu quả thì mô hình này sẽ khó vươn tới mọi thành phần trong xã hội, nhất là những đối tượng nghèo, người già cô đơn, trẻ em tàn tật và người ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại. Và như vậy, vô hình chung nó lại biến tướng thành dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phục vụ những người có điều kiện về kinh tế. 

Thiết nghĩ, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ y tế công lập ở nhiều nơi vẫn còn bất cập, khó khăn, thì việc triển khai mô hình BSGĐ là giải pháp hiệu quả để góp phần làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhưng để mô hình này được triển khai hiệu quả trên cả nước thì ngay từ bây giờ ngành Y tế các địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân lực, lẫn phương pháp tuyên truyền nhằm giúp mỗi cơ sở y tế, mỗi người dân dần làm quen với khái niệm BSGĐ.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc