Hãy bắt đầu từ những nhà "cải cách"
Quả thực, trong những năm gần đây, cụm từ "cải cách giáo dục" đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam, và luôn trở thành đề tài "nóng" mỗi khi đưa ra bàn luận tại các diễn đàn. Còn nhớ trước đây người ta nghĩ đến "cải cách" và đưa ra tranh cãi rất sôi nổi chuyện đọc bảng chữ cái như thế nào (a-b-c... đọc là a-bờ-cờ... hay là a-bê-xê...). Gần chút nữa là tranh luận chuyện nền giáo dục nước nhà đi theo hệ 10, 11 hay 12 năm. Mới hơn lại là chuyện nên chuyển tên gọi các cấp học là Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông thành Cấp I - Cấp II - Cấp III... Kể ra thì nhiều lắm chuyện "cải cách", nhưng xét cho cùng, những kiểu "cải cách" ấy liệu có cần thiết hay không? Bởi thực tế là với những "cải cách" mang tính hình thức, tủn mủn như vậy không thật sự đem lại chuyển biến trong giáo dục, đào tạo, dù những con số báo cáo thường niên như tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh tốt nghiệp các cấp học... vẫn rất "đẹp". Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở bậc học đại học, dạy nghề... Có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung nền giáo dục còn mang nặng bệnh thành tích; đánh giá kết quả ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thực chất; chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập; thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh... là những nguyên nhân chính. Và khi những nhà hoạch định chính sách giáo dục không nhìn thẳng vào vấn đề thì những tồn tại đó chưa biết bao giờ mới "gỡ" được để đưa nền giáo dục nước nhà tiến kịp khu vực và thế giới.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc