Multimedia Đọc Báo in

Mong được hoạt động... đúng luật!

20:03, 29/11/2014
Qua rà soát từ năm 2000 đến nay, Dak Lak đã có 120 nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm dưới nhiều hình thức như khai thác, xâm canh, lấn chiếm.
 
Riêng từ năm 2008 đến năm 2013, diện tích bị xâm lấn là trên 12.340 ha, trong đó diện tích rừng thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp chiếm gần 70%. Những con số này hẳn cũng không còn khiến dư luận ngạc nhiên nữa khi nhiều năm trở lại đây câu chuyện khai thác trái phép tài nguyên rừng chưa hề bớt “nóng”. Điều đáng trăn trở là thực tế diện tích, chất lượng rừng ngày càng suy giảm đã và đang đồng hành với thời gian sau 10 năm thực hiện việc chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp lâm trường quốc doanh chuyển sang công ty nhà nước như hiện nay. Nhiều lãnh đạo các công ty lâm nghiệp thẳng thắn giãi bày là việc quản lý, bảo vệ rừng… vượt tầm kiểm soát khi diện tích thì lớn, lực lượng thì mỏng, lại không được cấp đầy đủ kinh phí, thiếu phương tiện, thiết bị và các công cụ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài chuyện một số công ty, ở một số thời điểm buông lỏng quản lý thì việc mất rừng có nhiều nguyên nhân, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí bảo vệ rừng; thêm nữa 15 công ty lâm nghiệp, danh nghĩa là các doanh nghiệp nhưng lại không hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trang Quang Thành gọi đó là “nỗi đau khổ” của các công ty này. Bởi về nguyên tắc nếu theo Luật Doanh nghiệp, cùng với nghĩa vụ, các công ty lâm nghiệp có quyền được tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích… Trên thực tế, quyền này của các công ty lâm nghiệp chưa được bảo đảm. Hầu hết các công ty lâm nghiệp hoạt động gần như vẫn theo cơ chế cũ, chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng không khác gì mấy so với trước chuyển đổi. Rất nhiều đơn vị lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, eo hẹp về tài chính. Ông Thành phân tích thêm: Việc để mất rừng rồi sẽ phải có biện pháp, quy chế xử lý chứ không thể để tồn tại mãi tình trạng người để mất cũng như người không để mất. Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp mở ra nhiều vấn đề. Theo đó, việc tiếp tục sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp sẽ theo 4 hướng: ghép lại để tồn tại; liên doanh liên kết với những đơn vị có đủ năng lực; cổ phần hóa một số công ty; Nhà nước “đặt hàng” các ban quản lý. Tuy nhiên, theo ông Thành, đổi mới gì thì đổi mới, đã thành công ty, doanh nghiệp thì phải cho công ty lâm nghiệp hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp, phải cung cấp cho họ một nguồn vốn nhất định, phải quy định rừng nào thì bảo quản, rừng nào thì được phát triển sản xuất. Không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nếu rừng chỉ giữ mà không được kinh doanh thì công ty lâm nghiệp… “chết”. 

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc