Multimedia Đọc Báo in

CPI giảm: Mừng mà cũng… lo!

11:28, 12/12/2014
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đầu năm 2014 mới chỉ ở mức 2,08%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Diễn biến CPI khác biệt này trong bức tranh kinh tế hiện tại: Mừng mà cũng…lo!

Thông thường CPI vào những tháng cuối năm có xu hướng tăng do nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh để phục vụ Tết. Tuy nhiên CPI vào thời điểm này của năm nay lại giảm, thậm chí là giảm mạnh khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số CPI của cả nước tháng 11 năm 2014 với mức giảm 0,27%  so với tháng 10 trước đó. Đây là lần thứ hai chỉ số CPI tháng so với tháng trước giảm trong năm nay (lần đầu tiên là vào tháng 3 với mức giảm 0,44%). Dự báo từ đầu năm về kịch bản lạm phát năm 2014 khả năng xoay quanh con số 6% có thể sẽ không xảy ra khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa kết thúc năm 2014 nhưng chỉ số CPI mới “già” 2%.

Với Dak Lak, CPI tháng 11-2014 có tăng nhẹ ở mức 0,12% so với tháng 10-2014. Theo ông Tôn Thất Khôi, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Thực chất CPI trên địa bàn tỉnh cũng nằm trong diễn biến chung của tình hình giá cả trong nước nhưng chỉ có điều khác biệt là do những tháng cuối năm cũng trúng vào thời điểm thu hoạch cà phê, lực lượng nhân công đổ về thu hái cà phê, nhu cầu mua sắm lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ mùa vụ có tăng đã tác động đến chỉ số CPI. CPI trên địa bàn tháng 11 có tăng nhẹ nhưng cũng là mức thấp so với những năm trước.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, CPI năm nay có sự khác biệt này trước hết phải ghi nhận hiệu quả các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, thứ hai là do giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua. Đó là những dấu hiệu tích cực từ thị trường và nói như ông Tôn Thất Khôi là “điều mừng khi người dân sẽ phải bỏ ra ít tiền hơn để mua hàng hóa”. Tuy nhiên, trên cán cân cung-cầu, nhìn lại sức mua vừa qua và ngay thời điểm cuối năm cận Tết này còn khá trầm lắng thì xem ra CPI giảm còn do tổng cầu yếu. Và đó lại là điều đáng lo ngại. Nhiều người nói vui rằng, sau vài năm tập thích ứng với khó khăn của nền kinh tế, người dân tiếp tục “thói quen” thắt chặt chi tiêu khiến “cầu” trong nước hồi phục yếu. Sức mua yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như: hàng tồn kho lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng đến thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Theo kế hoạch đề ra, năm 2014 Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5%. Theo đó với mức giảm của chỉ số CPI hiện nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát bước đầu đã đạt kết quả nhưng CPI tăng thấp dưới chỉ tiêu kế hoạch thì lại là điều lo ngại. CPI tăng ổn định ở mức 4,5-5% vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa kích thích kinh tế phát triển được cho là con số lý tưởng. Muốn đạt điều đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có những gói để kích cầu thị trường, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động để tăng sức mua. Cùng với vấn đề tìm đầu ra, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa sản xuất trong nước, về chính sách tín dụng, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay kích cầu đầu tư cũng thực sự cần.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc