Multimedia Đọc Báo in

Sau điều kỳ diệu...

10:07, 26/12/2014
Vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng): Hơn 82 giờ, 12 công nhân sống trong sợ hãi, lo lắng và cũng chừng ấy thời gian hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng dồn hết tâm sức, trí lực cùng các phương tiện để cứu hộ. Người dân cả nước cũng hồi hộp dõi theo và nguyện cầu điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến với 12 công nhân đang gặp nạn. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi vào chiều 19-12, các công nhân được giải cứu an toàn.

Cuộc giải cứu thành công sớm hơn dự kiến. Những người bị nạn gọi đó là cuộc hồi sinh; còn dư luận thì không khỏi tấm tắc: một sự kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy thật tuyệt vời khi được làm nên từ sự đồng sức, hiệp tâm của nhiều lực lượng cứu hộ, trong đó chủ lực là các chiến sĩ công binh. Đó còn là sự sâu sát, nhạy bén, sáng tạo trong nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc khi thực hiện phương án cứu hộ cứu nạn của các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến hiện trường chỉ đạo tìm phương án cứu hộ và đồng ý cho lực lượng công binh đào một đường hầm vào chiều 18-12 nhằm sớm tiếp cận nhóm công nhân vào chiều 18-12 và quyết định này đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Rồi cả những cách để cung cấp thức ăn, nước uống, thuốc men hỗ trợ sức khỏe cho 12 công nhân cũng được xem là một sự sáng tạo, có một không hai…

Chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với các nạn nhân nhưng sau vụ tai nạn kinh hoàng này cũng phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận nhiều vấn đề. Chiều 22-12, tại cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Vietrancimex - chủ đầu tư công trình thủy điện này đã lên tiếng xin lỗi các công nhân bị nạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và người dân về sự cố trên. Theo ông Thăng, ngoài lý do điều kiện địa chất phức tạp từng khiến sụt đất trước đây, việc sập hầm  xảy ra còn là vì sau thời điểm mùa mưa kéo dài khiến nền đất tại khu vực nhiều nước, bùn, cát gây sụp. Dư luận không khỏi băn khoăn, thắc mắc với lý giải có vẻ thuần túy đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan này. Bởi nếu nhận định sau mùa mưa kéo dài, địa chất không bảo đảm, hẳn chủ đầu tư đã chủ động sẵn sàng với các phương án để bảo đảm an toàn lao động!? Nhưng khi sự cố xảy ra, qua các phương tiện truyền thông, với nhiều thước phim, hình ảnh, người ta thấy xót xa khi trước cửa hầm vẫn có một câu khẩu hiệu treo khá to và rõ ràng rằng: “An toàn để sản xuất. Sản xuất phải an toàn”; trong khi số phận của 12 công nhân lúc ấy là “ngàn cân treo sợi tóc”. Quy trình thẩm định, khảo sát, phê duyệt, thiết kế, triển khai thi công các công trình đặc biệt đối với thủy điện cũng cần được nghiêm túc thực hiện, tuân thủ sau vụ tai nạn nghiêm trọng này. Thêm nữa, bài học từ thủy điện, hệ lụy của việc “nở rộ”, “lạm phát” các công trình thủy điện như đã từng bị dư luận lên tiếng xem ra đâu chỉ có câu chuyện mất rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn cả hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an toàn lao động.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc