Multimedia Đọc Báo in

Phải bám sát cơ sở, gần gũi với nhân dân

10:33, 06/02/2015
Bí thư Đảng ủy một phường nọ ở TP. Buôn Ma Thuột có lần tâm sự: Kinh nghiệm quý giá được anh rút ra trong quá trình công tác chính là phải gần dân, sát dân, bám sát thực tế ở cơ sở. Cán bộ lãnh đạo làm được như vậy mới giải quyết suôn sẻ được nhiều công việc, nếu chỉ quan liêu, ngồi ở cơ quan nghe cấp dưới báo cáo mà không nắm bắt thực tế, không lắng nghe dân thì... rất khó đề ra quyết sách đúng.

Cũng nhờ việc thường xuyên đi cơ sở, trực tiếp thị sát nắm bắt tình hình nhân dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, đồng chí Bí thư nói trên đã góp phần tạo nên những chuyển biến nhất định về mọi mặt ở địa phương, đặc biệt đã giải quyết được nhiều việc nổi cộm, trì trệ kéo dài nhiều năm mà không có hướng khắc phục. Quả thật, thực tiễn ở nhiều nơi đã chứng minh: ở đâu có cán bộ lãnh đạo thường xuyên đi cơ sở, gần gũi và lắng nghe dân thì công việc ở đó trôi chảy, tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền. Bài học “Là cán bộ thì phải sâu sát thực tế, gần gũi cơ sở, gần gũi nhân dân” luôn đúng trong mọi trường hợp.

Tiếc là bài học này không phải cán bộ, lãnh đạo nào cũng thấm nhuần. Không khó để gặp tình trạng: cùng một vấn đề, huyện báo cáo thế này nhưng xã lại nói khác; hoặc vị Bí thư đề cập ở trên đã từng gặp tình huống thế này: cấp dưới của mình báo cáo một đằng, xuống tận cơ sở tìm hiểu để “mắt thấy tai nghe” thì sự việc lại khác, nguyên nhân chính là do người cấp dưới của vị Bí thư ấy cũng chỉ ngồi nghe báo cáo mà không đi thực tế! Rõ ràng, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chỉ ngồi bàn giấy, nghe báo cáo, "chỉ tay năm ngón" thì dễ rơi vào quan liêu, giáo điều, thiếu thực tế, hậu quả là sẽ "vẽ" ra nhiều chính sách "trên trời", không khả thi hoặc không đề ra được các giải pháp “sát, đúng, trúng”. Nếu lãnh đạo chỉ ngồi nhà, không sâu sát thực tế sẽ không thể thấy được những bất cập, vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý. Thực tế đã có nhiều chính sách mới đề ra đã phải sửa đổi hoặc bãi bỏ vì “thiếu thực tế”, bị người dân phản ứng, không ủng hộ.

Trong những năm gần đây, học theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đảng bộ, chi bộ trên địa bàn tỉnh đã yêu cầu cán bộ phải sâu sát thực tế bằng cách cử cán bộ lãnh đạo thường xuyên dự họp với các tổ chức đảng cơ sở; thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là về đời sống, công ăn việc làm, giải tỏa, đền bù đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an sinh xã hội… Mong rằng, những cách làm này sẽ ngày càng được lan tỏa, nhân rộng; mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ thực hiện được như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh tác phong công tác, thật sự gần dân, trọng dân, học dân”.

Hải Như


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.