Đột phá...
Tại Hội nghị lấy ý kiến của các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức mới đây, câu chuyện về việc xác định những giải pháp đột phá là một trong nhiều nội dung ý kiến và trăn trở của đại biểu. Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ama H’Oanh thẳng thắn khi cho rằng trong nhiệm kỳ 2010-2015, qua tổng kết vẫn còn có một số chỉ tiêu không đạt, trong đó thu ngân sách một số năm đã không hoàn thành kế hoạch đề ra. Ông lấy làm tiếc khi Dak Lak có một tiềm năng lợi thế lớn ấy chính là nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào nhưng công nghiệp chế biến thì chưa phát triển, thiếu những mô hình sản xuất kinh doanh mang tính đột phá. Cùng nhận định, đánh giá này, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Ngọc Tuấn thì phân tích: Muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ thì cần đột phá ở việc chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cho ý kiến về việc xây dựng các giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, nhiều đại biểu cho rằng giải pháp đầy đủ thôi vẫn chưa đủ mà cần có sức nặng, có tính đột phá, tập trung được nguồn lực trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Cũng liên quan đến câu chuyện đột phá, phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ngành cà phê được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói “cần có tư duy mới, đột phá cho cây cà phê”. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dak Lak rằng “Đã có không ít hội nghị, hội thảo về chủ đề này, vậy theo bộ trưởng cần có những tư duy mới, đột phá nào cho cây cà phê?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng tư duy mới, đột phá đó là không chỉ quan tâm đến diện tích, số lượng, năng suất như lâu nay, mà cần chú ý đến các khâu khác như thương mại, chế biến, nhất là khi chúng ta chưa khai thác được hết những “khoảng trống” về thị trường đối với mặt hàng nông sản này. Chúng ta không nên chạy theo diện tích, mà cần tập trung cao hơn vào việc nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị của cà phê để thu được lợi ích lớn hơn.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc