Nhận thức và trách nhiệm trong... thế giới ảo
Với sức mạnh lan truyền và kết nối, mạng xã hội trở thành nơi chia sẻ nỗi đau, cầu nguyện cho những nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ khủng bố. Nhưng cũng bởi tính ưu việt lan truyền và kết nối nhanh, rộng khắp của nó, dư luận đang bày tỏ sự lo lắng khi không ít chủ nhân các trang mạng xã hội Việt Nam, chủ yếu là các bạn trẻ có lẽ đã đi quá xa và đi chệch mục đích ấy. Không ai ngăn cấm việc họ có quyền thể hiện thái độ, quan điểm, cách nhìn nhận của mình nhưng thể hiện một cách tự do thái quá với đủ kiểu lên án, chỉ trích, thậm chí là dùng những lời lẽ thô tục, khiêu khích thì sự lo lắng của dư luận là có cơ sở. Không ít thành viên mạng còn trổ tài “anh hùng bàn phím”, đi tìm kiếm facebook của kẻ được cho là thành viên nhóm khủng bố và chỉ sau vài giờ đã có hơn 1 ngàn bình luận chửi rủa đến từ dân mạng Việt Nam… Thật buồn trước những lời bình luận như: “…Tôi hy vọng các cậu có thể ghé thăm đất nước chúng ta”; “Tôi thách thức các bạn sang Việt Nam”…
Có lẽ khi bấm like hay comment về vụ việc này, những chủ nhân của các trang mạng xã hội đơn giản có thể chỉ a dua, chạy theo phong trào hoặc cho rằng tham gia bình luận, “chém gió” cho vui trên thế giới ảo. Nhưng với sức mạnh kết nối của Internet, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị đang ngày càng có những diễn biến phức tạp thì đây là những trò đùa tai hại và vô cảm. Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và cuộc sống hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng bao máu, nước mắt của lớp lớp thế hệ cha anh. Chiến lược ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta mở cửa hội nhập, muốn làm bạn với các quốc gia trên thế giới trên cơ sở khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ càng thể hiện khát vọng và nỗ lực xây đắp, bảo vệ nền hòa bình ấy. Bởi vậy, không ai cho phép lấy an ninh chính trị quốc gia, độc lập dân tộc để làm trò đùa.
Các nhà quản lý, cơ quan chức năng đặt vấn đề cần có sự kiểm soát, kiểm duyệt gắt gao hơn khi sử dụng trang cá nhân. Còn trước vụ việc cụ thể này, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu các lực lượng tập trung xác minh, xử lý người lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, kích động, khiêu khích hành động khủng bố. Câu chuyện thêm một bài học lớn nhất là với giới trẻ: nhanh nhạy, chủ động trong nắm bắt thông tin là điều cần thiết nhưng cần một nhãn quan sâu sắc, nhận thức chính trị đúng đắn và có trách nhiệm khi tham gia các trang mạng xã hội.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc