Đổi mới giáo dục và sự liên kết thế hệ
Đổi mới nói chung luôn là khát vọng, là nhu cầu chính đáng của con người. Phụ huynh nào cũng mong muốn con mình được hưởng một nền giáo dục hiện đại mà trong đó mỗi đứa trẻ có thể tự truy tìm chân lý và trở thành con người có đạo đức, có trí tuệ, thể chất tốt và biết thực hành (theo bản chất của việc dạy và học từ thời Sokrates và Aristotle).
Thế nhưng, thực tế cho thấy, có nhiều người ban đầu nhiệt thành với đổi mới và cải cách, thì sau đó trở nên “lo ngại” trước những thay đổi trong ngành giáo dục. Vì sao phụ huynh lại thường bày tỏ những lo ngại dành cho các chương trình cải cách giáo dục hiện nay? Người ta có lý do để lo lắng khi sức khỏe của con mình không tốt lên bao nhiêu và học thì chép bài theo mẫu, làm bài theo kiểu “tủ” mà thiếu tính tích cực, chủ động, tự lực tư duy...
Nhìn nhận câu chuyện đổi mới giáo dục trong mối quan hệ với sợi dây liên thế hệ trong gia đình, chúng ta thấy, dường như phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc cùng với nhà trường dạy dỗ con em. Rất nhiều phụ huynh đều suy nghĩ “bây giờ chúng nó học khác mình xưa”. Thậm chí, người ta nhận ra rằng, con cái phần nào không nghe lời cha mẹ vì chúng bắt đầu nghi ngờ nhiều kiến thức bố mẹ không biết. Mà ở những lớp bậc tiểu học chẳng hạn, cha mẹ không giảng cho con được bài toán, không giải nghĩa cho con được đoạn văn thì đúng là cha mẹ thiếu kiến thức nền tảng rồi.
Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái với những xung đột về thang bậc giá trị vốn đã trở nên xa hơn trong xã hội hiện đại thì dường như khoảng cách này càng xa hơn nữa vì những đổi mới và cải cách giáo dục. Có lẽ đó cũng là lý do mà gần đây, khi bài thơ “Sông núi nước Nam” vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, với những câu thơ quen thuộc, nay đã được dịch khác đi và in trong sách Ngữ văn lớp 7 (tập 1) lại khiến nhiều phụ huynh sốc và dẫn tới những tranh luận về việc cải cách giáo dục đến như vậy.
Lẽ tất nhiên, câu chuyện đổi mới giáo dục không duy nhất ở việc thay đổi sách giáo khoa. Nhưng nhìn từ việc đổi mới giáo dục với việc duy trì sự liên kết giữa các thế hệ trong gia đình, thực sự chúng ta đang rất cần bộ sách giáo khoa với những đoạn văn mẫu mực, với những giá trị xã hội cốt lõi mà thế hệ nào cũng biết. Từ đó, sợi dây liên thế hệ được bền, để các thành viên trong gia đình được gắn kết, được chia sẻ những gì mà chúng ta có được trong suốt quá trình được giáo dục.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc