Multimedia Đọc Báo in

Y đạo và y đức

09:45, 27/02/2016
Ngành y có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên vấn đề đạo đức nghề y dường như được nhắc đến nhiều hơn so với lĩnh vực nghề nghiệp khác.
 
Theo cách hiểu của xã hội học, đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Và y đức được hiểu như là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi và mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân và với đồng nghiệp.

Tuy vậy, đạo đức nghề nghiệp chỉ có ở những con người xác định đúng mục đích nghề nghiệp của mình. Trong nghề y, rõ ràng chỉ khi có “y đạo”, tức là xác định được con đường mình đi (học nghề y để cứu người, giúp đời hay học để dễ xin việc, mở phòng mạch nhiều tiền…) thì mới có thể nói chuyện lương tâm con người, lương tâm chức nghiệp và từ lương tâm chức nghiệp mới dẫn tới những hành vi đạo đức. Tất nhiên, câu chuyện làm nghề y chỉ để đi trên con đường mở phòng mạch và kiếm tiền thì cũng chẳng có gì sai nhưng việc xác định “y đạo” ấy sẽ dẫn tới “y đức” rất khác so với “y đạo” được xác định là cứu người, cứu đời.

Tình cờ tìm được trên Internet Lời Thề do Giáo sư Bùi Duy Tâm (Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa Huế) những năm 1967 – 1972 soạn cho sinh viên tuyên thệ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp như sau:

“Trước đấng tối cao mà tôi tin tưởng,

Trước các y tổ của thế giới và Việt Nam: Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông,

Trước các thầy và bạn đồng môn đã gầy dựng y nghiệp cho tôi,

Trước các bậc sinh thành ra tôi,

Và nhất là trước lương tâm chức nghiệp của tôi.

Tôi xin tuyên thệ

1. Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại,

2. Trong khi hành nghề, tôi chỉ dùng mọi hiểu biết về người bệnh để phục vụ y đạo,

3. Vì tình yêu Tổ quốc, tôi sẽ cố phát triển những sắc thái đặc biệt của nền y học Việt Nam,

4. Vì tình yêu thương nhân loại, tôi sẽ cứu tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ những ai có khả năng và thiện chí,

5. Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và tư tưởng cao đẹp của nghề thầy thuốc, tôi sẽ phải học hỏi và nghiên cứu trọn đời,

Hôm nay mới chỉ là bắt đầu”.

Lời thề trên thật gây ấn tượng mạnh bởi thề trước ai cũng không quan trọng bằng trước lương tâm con người và lương tâm chức nghiệp của chính mình. Trong lời thề này, “y đạo” được thể hiện rất rõ ràng: nghề thầy thuốc như con đường cứu người và giúp đời. Và ấn tượng hơn nữa, khi mà trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của mình, sinh viên nhấn mạnh ở câu cuối cùng trong lời tuyên thệ “Hôm nay chỉ mới là bắt đầu”. Bởi lẽ, thề thì không khó nhưng trung thành với lời thề của mình thì thật gian khó và không ít người đã tự vi phạm lời thề, “tự đánh mất mình”.

Đối với nghề y, con đường mà lương tâm chức nghiệp dẫn dắt đâu chỉ là “y đạo”, “y đức” mà còn là “ y lý”, là “y thuật”. Chúng ta biết ơn và cầu mong ngày càng có nhiều những con người “vững về y đạo, sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật” để mỗi người nói riêng và cả nhân loại nói chung được thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật, để cuộc đời này luôn an vui.

              Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.