Multimedia Đọc Báo in

Thủ tục hành chính và đạo đức người thực thi công vụ

20:05, 11/03/2016
Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã bước vào nửa chặng cuối với những yêu cầu cao hơn trong thực hiện 6 nội dung đã đề ra, trong đó có thể nói nội dung được quan tâm hơn cả là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vấn đề này không mới nhưng luôn nóng, càng nóng hơn khi chính người đứng đầu Quốc hội cũng buộc phải lên tiếng. Cụ thể, nhân góp ý nội dung dự án Luật Dược (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nhận xét là thủ tục hành chính với dân hiện giờ rất “cay nghiệt”, có quá nhiều thủ tục gây phiền hà, sách nhiễu dân. Thiết nghĩ, điều muốn nói ở đây không phải là quy định cay nghiệt, mà “nghiệt” chính là ở chỗ khâu vận dụng, cụ thể hơn chính là người trực tiếp thực hiện các thủ tục. Dù đã có những văn bản quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng có lợi cho người dân, nhưng việc thực hiện cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước vẫn phổ biến tình trạng “một cửa nhiều khóa”, với cung cách phục vụ nhiều khi cứng nhắc, máy móc, “hành là chính”. Kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng về mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp tại bộ phận một cửa về các lĩnh vực mà xã hội quan tâm và qua công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã hằng năm cho thấy một trong những hạn chế, yếu kém là cán bộ, công chức còn hạn chế về trình độ, còn tình trạng quan liêu, thiếu coi trọng và lắng nghe ý kiến của dân, làm việc còn thiếu nhiệt tình, hiệu quả chưa cao… 

 Không phải ngẫu nhiên mà những người có trách nhiệm cũng nhìn rõ vấn đề này và trăn trở hướng giải quyết. Báo cáo sơ kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp; một bộ phận không nhỏ sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước yêu cầu chính đáng của người dân. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi kiểm tra thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã chỉ rõ một trong những mặt yếu kém, gây cản trở sự phát triển chính là CCHC. Ông phân tích rằng, khi cần làm điều gì đó, các ban ngành đều nói cần ngân sách, nhưng CCHC không cần tiền, chỉ cần đơn giản hóa những việc mà nếu cải cách chỉ làm mất 1 ngày thay vì 3 ngày như hiện nay. Gần đây nhất, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, sau khi đánh giá công tác này cả về mặt tích cực lẫn  mặt còn hạn chế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã khẳng định, đạo đức công vụ là khâu đột phá trong công tác CCHC, đồng thời yêu cầu thời gian tới, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Như vậy, có thể thấy, đạo đức công vụ đang là vấn đề  bức thiết trong thực hiện CCHC. Trong thực tế, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân. Nhưng dù thủ tục có thông thoáng đến mấy, mà người trực tiếp thực thi nó không tận tâm phục vụ, không chú trọng trau dồi đạo đức tác phong, rèn luyện trình độ, kỹ năng nhằm giải quyết công việc đạt năng suất, hiệu quả… thì thủ tục hành chính vẫn không thoát khỏi... bị “hành” là “chính”!

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.