Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ trẻ bằng hành động cụ thể

10:25, 08/05/2016
Tần suất dày đặc cùng mức độ hết sức nghiêm trọng của các vụ đuối nước vừa xảy ra khiến dư luận “dậy sóng”, nhiều ý kiến cho rằng có lẽ việc cần thiết hiện nay không phải là tìm ra nguyên nhân mà là tìm ra giải pháp trực tiếp, gốc rễ để hạn chế tối đa các vụ việc tương tự. 
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ nhỏ và học sinh là đối tượng dễ bị đuối nước nhất, đặc biệt là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Phải thừa nhận rằng, tình trạng đuối nước ở Việt Nam đã ở mức báo động. Bộ LĐ-TB&XH cho biết Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong mỗi năm. Với những gì đang xảy ra cho thấy tình trạng đuối nước, nhất là đuối nước ở trẻ em đã đến mức báo động khẩn cấp, phải kịp thời có ngay phương cách phòng ngừa một cách hữu hiệu.
 
Trong điện chia buồn với gia đình 9 học sinh đuối nước ở Quảng Ngãi ngay sau khi tai nạn vừa xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác quản lý học sinh, thiếu nhi, tổ chức các hoạt động hè an toàn, không để xảy ra tai nạn; trong đó chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội. Không phải đến bây giờ mà lâu nay những nội dung này cũng đã được thực hiện, nhất là từ khi triển khai chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, nhưng vì sao tai nạn vẫn không giảm, thậm chí còn có xu hướng gia tăng? Ở đây có 2 vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, với điều kiện thực tế hiện nay ở các trường học (thiếu bể bơi, thiếu giáo viên…) thì chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh của Bộ GD-ĐT (giai đoạn 2011-2015) hầu như không có tính khả thi, nhất là với các trường ở vùng khó khăn. Một số gia đình có ý thức cho trẻ tập bơi cũng mới chỉ dừng ở mức … biết bơi, chứ chưa quan tâm đến kỹ năng bơi lội. Vì thiếu kỹ năng nên đã xảy ra những trường hợp trẻ biết bơi vẫn bị đuối nước, hoặc trẻ ngạt nước không được sơ cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Thứ hai, dù gia đình hay nhà trường có quản lý chặt chẽ đến đâu cũng không thể luôn theo sát bên cạnh con em mình mọi lúc, mọi nơi được, nên các em vẫn có thể tự rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ, chẳng may xảy ra sự cố dễ sinh hoảng loạn, không biết cách tìm sự ứng cứu kịp thời . 
 
Để giải quyết 2 vấn đề này, trách nhiệm chính vẫn là gia đình và nhà trường. Trong khi chờ cơ quan chức năng xây dựng hẳn một chương trình hành động cấp quốc gia về phòng chống đuối nước trẻ em thì chúng ta hãy khẩn cấp bảo vệ trẻ bằng những việc làm cụ thể, phù hợp tùy đặc điểm, điều kiện mỗi gia đình, địa phương. Trước hết là giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ, sao cho các em hiểu rõ đuối nước và nguy cơ đuối nước để biết cách phòng tránh. Tiếp nữa là dạy các em hiểu và áp dụng kỹ năng bơi lội để biết ứng xử khi gặp tình huống nguy cấp, biết cách bảo vệ an toàn cho mình cũng như cho người khác. Đồng thời địa phương cũng có trách nhiệm trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ nhà trường dạy môn bơi lội cho học sinh, có biển báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước…
 
Hoa Hồng
 
 

Ý kiến bạn đọc