Nghĩ từ bài báo "Sao cho được lòng dân" của Hồ Chủ tịch
Ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến thắng đã viết trên báo “Cứu quốc” bài “Sao cho được lòng dân” (1).
Sau khi phê bình “cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền” của “các ông chủ tịch, các ông ủy viên” ở “một vài nơi tiếng phàn nàn, oán thán nhiều hơn tiếng người khen”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân… Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”. Kết thúc bài báo, Người viết: “Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Hàng vạn người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5-1-1946 (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ) |
Ngày nay, đọc lại bài báo của Hồ Chủ tịch, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Quốc hội, HĐND thông qua mỗi vị đại biểu với người dân. Yêu dân, kính dân, đặt quyền lợi của dân lên trên hết là bản chất của nhà nước ta: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã hội do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (2). Vì vậy, cùng với các tiêu chuẩn: “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” thì tiêu chuẩn “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm” đòi hỏi cần phải có của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Cử tri mong muốn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND có chương trình hành động về “những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân” trong nhiệm kỳ công tác của mình. Nghe chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri biết được họ “muốn làm” những việc gì cho dân, cho nước và họ có “làm được” vai trò, vị trí là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân hay không. Ứng cử viên trình bày chương trình hành động là vận động bầu cử cho mình. Vì vậy, để thuyết phục cử tri, chương trình hành động phải nêu những việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của người dân, của quốc gia, dân tộc mà tập trung hiện nay là đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, chống tham nhũng, lãng phí và bảo vệ cho được chủ quyền quốc gia. Chương trình hành động thể hiện tấm lòng với dân, với nước, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy, vốn văn hóa, tri thức pháp luật… của mỗi ứng cử viên.
Cử tri mong muốn người đại biểu Quốc hội, HĐND chủ động và thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để đề xuất “kế sách” với cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cử tri cũng mong muốn người trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND mỗi tháng có khoảng 5 đến 6 lần gặp gỡ nhân dân theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc cử tri, người đại biểu của dân cũng cần có tiêu chuẩn về văn hóa ứng xử với dân và ứng xử với chính mình trước sự hấp dẫn của quyền lực. Về ứng xử với dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới… đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”. Về ứng xử với chính mình trước sự hấp dẫn của quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”.
Thiết nghĩ đối với người đại biểu Quốc hội và HĐND khi có người tài đức hơn mình thì tiến cử và “sẵn sàng nhường lại” vị trí người đại biểu của dân cho người xứng đáng hơn mình bằng cách “tự miễn nhiệm” cũng là cách thực hành lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng” (4).
Trương Tử Kỳ
----------------------------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia. H 2011, tr 51
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia. H 2011, tr 232
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia. H 2011, tr 166
Ý kiến bạn đọc