Multimedia Đọc Báo in

Phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân

16:53, 16/01/2017
Tại hội nghị tổng kết của ngành Tài chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành phải thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân. Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc đến vấn đề này, nhưng nó luôn thể hiện tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
 
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến một số vấn đề mà ngành Tài chính cần sớm khắc phục. Đó là tỷ lệ nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua, trung bình tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế; cân đối ngân sách Nhà nước luôn khó khăn khi thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Hệ quả là để có đầu tư phát triển và tăng trưởng, Chính phủ buộc phải đi vay, vì thế tiếp tục tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm ngân sách Nhà nước luôn căng thẳng. Thủ tướng lưu ý, phải rút ra bài học từ các quốc gia mất an toàn về tài chính, khủng hoảng tài chính với nguyên nhân là kỷ luật tài khóa lỏng lẻo và phương thức quản lý không rõ ràng, không công khai, minh bạch, yếu kém về trách nhiệm giải trình. Vì vậy, phải nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách, quản lý chặt và triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo, đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài… Thủ tướng chỉ thị “Không được trích một đồng ngân sách nào để biếu xén cấp trên…”. Đặc biệt, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội...” Thậm chí Thủ tướng còn cảnh báo: “Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”.
 
Cảnh báo trên của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết, kịp thời và không chỉ gói gọn trong ngành Tài chính. Bởi thực tế hiện nay, nhiều cơ quan công quyền, cán bộ, công chức vẫn mặc nhiên xem nguồn chi phục vụ công việc, cuộc sống hàng ngày là do ngân sách Nhà nước “rót” xuống, chứ ít khi nghĩ đến phần lớn đó là từ tiền thuế do dân, doanh nghiệp đóng góp. Với quan niệm đó, việc phân phối, chi nguồn thu này có lúc, có nơi còn lãng phí, chưa đúng đối tượng, địa chỉ cụ thể và gây không ít bức xúc trong dư luận nhân dân. Tình trạng cơ quan công quyền, cán bộ có chức, có quyền sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công lãng phí vẫn còn diễn ra. Vấn đề chi đầu tư phát triển kinh tế vẫn còn tình trạng phân tán, dàn trải, chưa căn cứ vào mục tiêu phát triển chung, trong khi nguồn thu của ngân sách thì có hạn. Không ít công trình, dự án đầu tư bằng tiền thuế của dân nhưng không hiệu quả, chất lượng kém... Đó là chưa kể đến chuyện trong bộ máy công quyền hiện vẫn còn diễn ra tình trạng không ít cán bộ, công chức hạch sách, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, trong khi bộ máy ấy lại được “nuôi” bằng chính tiền thuế của dân. Vậy là, Nhà nước lại phải chi rất nhiều tiền, mà cũng lại là tiền thuế của dân chỉ để tập trung cải cách hành chính mà chủ yếu là cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là nghịch lý không thể chấp nhận được.
 
Đã hơn một lần kể từ ngày đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở đến việc "phải biết trân quý từng đồng tiền thuế của dân". Hy vọng với việc Thủ tướng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, khó khăn của cả hệ thống như trên, các cấp, ngành sẽ có những cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ của đất nước…
 
Giang Nam
 

Ý kiến bạn đọc