Multimedia Đọc Báo in

"Đánh thức" lòng tự trọng

09:17, 06/10/2019

Những ngày vừa qua, câu chuyện một cụ bà ngoài 80 tuổi ở Thanh Hóa tự mình đạp xe lên UBND xã để xin ra khỏi hộ nghèo với lý do mình có đất ruộng, có con cái chứ không phải là người già không nơi nương tựa... đã và đang “đánh động” đến nhận thức, lòng tự trọng của nhiều người trong xã hội.

Trong clip được chia sẻ lên mạng xã hội, bà cụ cho rằng: “Già ở một mình, thoải mái, thích ăn thì ăn, thích tiêu thì tiêu. Đi khai hoang, có vườn đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo răng. Rồi nói không nơi nương tựa, 11 người con mà nói không nơi nương tựa đó là đi bêu con, đúng chưa. Cho nên là, tôi có chỗ nương tựa, rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa. Tôi xin phép ủy ban cho tôi xin trả lại cái sổ hộ nghèo, tôi xin thoát nghèo, bởi tôi còn đang giúp đỡ được những người khó khăn hơn”.

Từng lời nói dõng dạc, dứt khoát, thể hiện rõ ràng phương châm "sống vui, sống khỏe, sống có ích" của cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm khiến người nghe phải thán phục và trân trọng. Bởi trong cuộc sống, không hiếm những trường hợp còn khỏe mạnh đầy đủ mà vẫn mong "được" là hộ nghèo, thậm chí có những câu chuyện vận động, "chạy" để được vào danh sách hộ nghèo nhằm hưởng chính sách hỗ trợ của  Nhà nước. 

Mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)
Mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Ngẫm lại, câu chuyện người dân mang trả lại sổ hộ nghèo không phải là lần đầu mà trước đó cũng đã có nhiều trường hợp xin ra khỏi danh sách hộ nghèo dù họ chưa thực sự khá giả. Đó không phải là cách họ làm nổi hay đánh bóng bản thân mình mà đơn giản chỉ là sự nhận thức, trách nhiệm đối với xã hội, bởi trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn hơn họ.

Có thể nói, những hành động, việc làm thiết thực đó không chỉ muốn nhường lại phần trợ cấp của mình được hưởng cho người khác mà hơn thế nữa còn để “đánh thức” lòng tự trọng của một số người đang có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà lười lao động, không tự phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Thực tế nói đến cái nghèo về vật chất rất khó để định nghĩa khi mà có mấy ai lại không muốn được nhiều hơn và biết thế nào là đủ ?. Vì vậy nên chăng làm sao để họ thoát khỏi tư tưởng ỷ lại, thoát khỏi cái nghèo trong nhận thức thì khi đó công tác giảm nghèo mới bền vững.

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.