Multimedia Đọc Báo in

Phí "bủa vây", làm sao khuyến khích không dùng tiền mặt?

07:33, 04/08/2019

Chủ trương hạn chế, tiến đến không sử dụng tiền mặt đang được Chính phủ "hối thúc" các ngân hàng tiến hành các giải pháp theo lộ trình. Thế nhưng, chủ trương này đang vấp phải những khó khăn nhất định khi mà một trong những thành phần mang tính quyết định là các ngân hàng chưa có những chính sách khuyến khích không dùng tiền mặt, thậm chí còn làm "nản lòng" người dùng bởi hàng loạt loại phí.

Bằng chứng là nếu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng iPay (dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua kênh Internet Banking) mới thấm thía sự đa dạng các loại phí mà ngân hàng đang "tận thu". Trong một tháng, dù có phát sinh giao dịch hay không thì khách hàng sử dụng iPay vẫn bị ngân hàng tự động trừ vào tài khoản các loại phí: phí dịch vụ ngân hàng điện tử; phí duy trì tài khoản; phí quản lý thẻ; phí bảo hiểm thẻ; phí SMS biến động số dư tài khoản.

Điều đáng nói là những khoản phí này không phải ai cũng biết, bởi chỉ những người có sử dụng iPay mới nhận được thông báo chứ phía ngân hàng không chuyển tin nhắn SMS đến khách hàng với những biến động tài khoản có giá trị dưới 10.000 đồng/lần.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Không thể phủ nhận những tiện ích mà iPay mang lại như giúp khách hàng thực hiện các giao dịch như vấn tin, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, trả nợ vay, gửi tiết kiệm trực tuyến... Và phía ngân hàng cũng lập luận rằng những khoản phí trên giúp ngân hàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Thế nhưng cũng có lập luận cho rằng, tiền của khách hàng để trong tài khoản thì ngân hàng đã có cơ hội sử dụng để phục vụ hoạt động tín dụng, đầu tư của mình. Vì thế ngân hàng chỉ nên yêu cầu khách hàng đóng các loại phí cơ bản nhất như phí mở tài khoản, phí chuyển khoản, phí rút tiền ATM khác hệ thống chứ không nên thu phí kiểu "tận thu" như hiện nay. Chưa kể, các loại phí này mới chỉ tính cho mỗi một hình thức thanh toán là dịch vụ iPay.

Trong khi những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác cũng đang được nhiều người sử dụng như QR Pay, thẻ tín dụng, phát sinh giao dịch (rút tiền, chuyển khoản)... cũng bị thu phí thì từ những khoản tưởng chừng rất nhỏ, khi cộng lại cũng trở thành khoản chi phí lớn của mỗi khách hàng.

Thiết nghĩ, trong khi Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt thì việc ngân hàng thu hàng loạt loại phí như thế chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng. Do đó, các ngân hàng nên chăng cần tính toán lại để hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo thêm động lực để chủ trương của Chính phủ được thực hiện đúng lộ trình đã đề ra.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.