Multimedia Đọc Báo in

"Liều thuốc" để kiểm soát quyền lực

07:34, 12/10/2019

Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Đã khá nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại vấn đề: “Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng, đó là “có cơ chế kiểm soát quyền lực” với những nội dung đáng chú ý: rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau"…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana. Ảnh: Hoàng Gia

Quy định 205 ra đời tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc thanh lọc bộ máy cán bộ, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Theo đó, Quy định có nhiều điểm nổi bật: Thứ nhất, người trong gia đình không cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan. Thứ hai, nghiêm cấm việc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên. Thứ ba, xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Thứ tư, xác định một cách cụ thể 6 hành vi và các biện pháp xử lý chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205 càng có ý nghĩa quan trọng khi được ban hành trong thời điểm mà các cấp ủy đang triển khai Chỉ thị 35 về chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Nhân dân kỳ vọng "chiếc lồng cơ chế" này sẽ có những tác động tích cực để giúp các tổ chức đảng, các địa phương nhận diện, chọn được cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân.

Để quy định này đi vào cuộc sống, có hiệu quả, cần có cơ chế, quy định cụ thể, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là người dân trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát "chiếc lồng” và quyền lực nằm trong "chiếc lồng” đó. Thêm nữa, cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng để hoàn thiện các quy chế, quy định, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, kể cả quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên. Và một trong những "liều thuốc" hữu hiệu vẫn được ưu tiên trong kiểm soát quyền lực chính là việc thực hiện một cách nghiêm minh, đúng nghĩa của kiểm tra giám sát, trong đó đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra định kỳ đột xuất; coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh vi phạm để không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy chức, chạy quyền.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.