Multimedia Đọc Báo in

Nông dân tự đổi mới

09:11, 21/12/2019

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tư lệnh các ngành với nông dân được tổ chức ở TP. Cần Thơ vừa qua, đáp lại câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ về việc có những ai trong hội trường sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi tham gia thị trường, gần 300 nông dân giơ tay.

Hơn 2000 câu hỏi của nông dân đã được gửi tới buổi đối thoại với Thủ tướng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân…

Ðiều ấy cho thấy nông dân đã và đang tích cực, chủ động thích ứng, hội nhập với nền sản xuất hiện đại. Tư duy của bà con từng bước thay đổi, không bảo thủ, duy trì mãi cách làm ăn kiểu cũ, sản xuất tràn lan, thiếu gắn kết giữa các chủ thể và tìm hiểu nhu cầu, tác động từ thị trường. 

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh trồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Ảnh: Thanh Hường
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh trồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Ảnh: Thanh Hường

Chính tác động ngày càng sâu rộng của khoa học - công nghệ đã đòi hỏi nông dân cần có những thay đổi trong tư duy và hành động để có đủ sức cạnh tranh, khẳng định, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Như cách đặt vấn đề của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đất nước chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới, như là thông qua liên kết, phát triển kinh tế hợp tác... Kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong nông nghiệp là vấn đề lớn mà người nông dân cần suy nghĩ tham gia. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức về khoa học công nghệ, thị trường để sản xuất hiệu quả hơn. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu. Một tinh thần tự lực, tự cường, một khát vọng phát triển của nông dân Việt Nam để đóng góp cho đất nước trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu rất lớn đối với giai cấp nông dân Việt Nam".

Sự đổi mới của nông dân ngày càng cần thiết, khẳng định ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhất là trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ có cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.

Cụ thể, lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu; cư dân nông thôn làm chủ thể; cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá; nâng cao năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, vững bền cho nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng nông thôn mới cần gắn chặt với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn để phát huy lợi thế của nông nghiệp và tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn.

Định hướng và xu hướng xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, an toàn, bền vững, thân thiện môi trường như thế, không thể khác, nhân vật chủ thể - nông dân luôn cần tự đổi mới để làm chủ sản xuất trên quê hương, đồng đất của mình.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.