Multimedia Đọc Báo in

Trả lại dòng nước trong lành cho suối Ea K’Nir

10:56, 11/06/2010
Suối Ea K’Nir chảy dọc theo chiều dài TP. Buôn Ma Thuột, hiện đang phải “oằn mình” gánh chịu ô nhiễm môi trường do từ nhiền năm nay, người dân sống dọc theo con suối vẫn vô tư lấn chiếm, xả rác, nước thải xuống suối, gây bốc mùi hôi thối, khó chịu...
Dưới chân cầu Tuệ Tĩnh từ lâu đã trở thành đống rác thải.
Dưới chân cầu Tuệ Tĩnh từ lâu đã trở thành đống rác thải.
Trong số khoảng 10 con suối đan xen chảy qua TP. Buôn Ma Thuột, Ea K’Nir là dòng suối lớn nhất, với chiều dài gần 60 km, nối từ phía đầu nguồn xã Hòa Thuận và Ea Tu chảy qua các xã, phường Tân An, Tân Lập, Tự An, Tân Thành, Ea Tam, Khánh Xuân, Hòa Xuân rồi đổ ra sông Sêrêpôk. Dòng suối uốn lượn, có đoạn chỉ như con lạch nhỏ chừng gang tay, có khúc rộng hàng chục mét, góp phần quan trọng trong tiêu úng, thoát lũ cho khu vực thành phố, nhưng giờ đây, suối lại ngập tràn rác thải.
Nhặt rác bên chân cầu Nguyễn Cư Trinh.
Nhặt rác bên chân cầu Nguyễn Cư Trinh.

Quan sát tại đoạn cầu đường Nguyễn Cư Trinh (phường Tự An), chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ đã có 4 người mang bịch ni lông đựng rác quăng xuống suối. Xung quanh khu vực chân cầu còn nhiều loại phế thải khác đang bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ông Nguyễn Văn Rỷ, người nhặt phế liệu tại đây cho biết, có cả xác, phân động vật người dân vứt ra, đôi khi ông phải lấy gậy đẩy xuống nước cho trôi đi. Một chị nhà gần cầu bức xúc, trước kia, người ta vứt rác ngay dưới chân cầu, khi trời mưa, nước lên, dạt vào đầy vườn nhà chị, bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Trên đoạn cầu đường Hùng Vương (phường Tự An), một số ngôi nhà bên suối cũng tận dụng lấn chiếm, làm sàn phía trên dòng suối để lấy không gian sinh hoạt, bên dưới là ngổn ngang những phế thải. Người dân ở quanh đó cho biết, ngoài việc vứt rác thải sinh hoạt, không ít người khi xây cất nhà, đã đem đủ thứ đất, đá, xà bần ra đổ xuống làm tắc nghẽn dòng suối. Tại cầu Tuệ Tĩnh, tình trạng người dân vứt rác xuống suối cũng khá phổ biến, chỉ trong vòng 45 phút đã có 8 người đưa rác đến đây. Một phụ nữ vừa vứt 2 bịch rác xuống cầu nói, mỗi ngày gia đình chị vứt rác xuống cầu ít nhất 2 lần. Còn anh Thư, người sống gần cầu nhiều năm, tâm sự: Lúc trước anh cũng thường vứt rác xuống suối, nhưng từ khi UBND phường đến tận nhà vận động mọi người phải ý thức bảo vệ dòng suối, giữ gìn vệ sinh thôn xóm thì gia đình anh không còn xả rác xuống suối nữa.
Các ống nước thải của nhà dân (phường Ea Tam) xả trực tiếp ra dòng suối.
Các ống nước thải của nhà dân (phường Ea Tam) xả trực tiếp ra dòng suối.
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên - Môi trường, về môi trường nước mặt của dòng suối Ea K’Nir, tại khu vực cầu Trắng (phường Ea Tam) cho thấy, những năm gần đây, mức độ ô nhiễm cao đến mức báo động, riêng năm 2009, qua 3 đợt quan trắc, tổng lượng Coliform (MPN) tại đây là 28.100/100ml nước, cao gấp gần 4 lần mức quy chuẩn Việt Nam cho phép. Suối Ea K’Nir chảy trong nội thành nhưng lại nằm khuất sau khu vực nhà dân nên đã tạo cơ hội cho nhiều hộ “bức tử” dòng suối. Một người dân sống gần suối (phường Tân Thành) phàn nàn, gia đình cạnh nhà chị nuôi heo, chất thải xả ngay ra suối, hôi thối không chịu nổi. Về phía hạ lưu dòng suối, ngay đoạn cầu cạnh cổng chào của xã Hòa Xuân, hai bên bờ suối lúc nào cũng ngổn ngang kim tiêm, rác thải bốc mùi khó chịu, song bãi rác nằm cách xa khu dân cư, nên người dân vẫn vô tư xả rác. Nhiều người cho hay, ngày xưa, dòng suối này nước trong xanh và chảy mạnh, nhiều hộ ở hạ nguồn vẫn lấy nước về sinh hoạt, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, không ai dám dùng nước suối nữa.
Việc tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là những hộ sống gần suối, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, nhặt túi ni lông, vệ sinh đường xóm, bảo vệ môi trường… thường xuyên được triển khai tại các xã, phường có suối chảy qua. Song, những việc làm đó hầu như không mấy hiệu quả, làm ngày trước, ngày sau lại ngập rác. Nguyên nhân chính là do thói quen, ý thức của người dân chưa cao. Ông Nguyễn Đức Tưởng, Phó chủ tịch UBND phường Ea Tam cho biết, năm 2009, UBND phường đã phối hợp với Công ty Quản lý đô thị và môi trường, sinh viên các Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, Đại học Tây Nguyên, tổ chức 4 đợt ra quân vì môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh đường phố, với hàng trăm thành viên tham gia mỗi đợt, nhưng kết cục đâu lại hoàn đấy, giờ đây rác vẫn ngập tràn dòng suối.
Đã đến lúc phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng thải rác, lấn chiếm đất ở khu vực dòng suối, góp phần bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp cho TP. Buôn Ma Thuột. Các cơ quan, ban ngành chức năng cần có những giải pháp khả thi mang tính bền vững, đồng thời, trước mắt phải có kế hoạch đầu tư thích đáng, trả lại dòng nước trong lành cho suối Ea K’Nir.
Lê Thanh Huyền

Ý kiến bạn đọc