Multimedia Đọc Báo in

Hàng giả - nỗi lo không của riêng ai

09:39, 14/08/2010

Theo báo cáo của 55 tỉnh thành, năm 2009, các lực lượng chức năng qua kiểm tra hơn 721.000 vụ, đã xử lý 196.470 vụ hàng giả, với tổng số tiền phạt 2.407 tỷ đồng (tăng 13%). Còn trong 6 tháng đầu năm 2010, theo số liệu của Bộ Công thương: lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý gần 41.000 vụ vi phạm. Trong đó, sản xuất, buôn bán hàng giả là 9.224 vụ, chiếm khoảng 22% số trường hợp vi phạm.. cho thấy mức độ gia tăng nhanh chóng nguy hại của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường. Riêng trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, do quy mô và trình độ sản xuất công nghiệp còn hạn chế, thị trường tiêu thụ rộng, đặc biệt là thị trường vùng sâu vùng xa khó kiểm tra, kiểm soát, nên đã trở thành “vùng trũng” của  hàng giả từ các nơi đổ về. Đặc biệt là các loại hàng nhái, hàng giả có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, mà chủ yếu là hàng Trung Quốc đang có nguy cơ gia tăng. Năm 2009 lực lượng Công an, Quản lý thị trường các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã phát hiện xử lý hơn 1.200 vụ và 6 tháng đầu năm nay cũng đã có hàng nghìn vụ được phát hiện.

Hàng giả hầu như gồm đủ mọi chủng loại hàng hóa, từ các sản phẩm cao cấp như vàng bạc, đá quý, ngoại tệ, nước hoa, mỹ phẩm, rượu ngoại.., đến các sản phẩm chuyên dùng như phân bón, thuốc trừ sâu, nước giải khát, thuốc tây, thuốc bắc, áo quần, giày dép... Hàng giả đã gây nên nhiều hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng như,  vụ ngộ độc “rượu dổm” làm hàng chục đệ tử lưu linh thiệt mạng gây xôn xao dư luận ở TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ cách đây chưa lâu. Đó là chưa kể đến hàng chục ngộ độc rượu do pha thuốc trừ sâu, pha phân đạm, bồ kết, mủ đu đủ để tăng nồng độ rượu xảy ra thường xuyên ở các địa phương. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì tình trạng phân bón giả đang là nỗi lo thường trực đối với người nông dân, với rất nhiều thủ đoạn sản xuất kinh doanh tinh vi như pha chế thêm hóa chất vào phân kém chất lượng rồi đóng nhãn mác các thương hiệu phân bón nổi tiếng để bán giá cao hơn, phân vi sinh thì trộn thêm bùn đất, mùn cưa để tăng khối lượng... Điển hình như vụ cung ứng phân vi sinh giả của Công ty cổ phần quốc tế Động Trung Đa Yếu Tố - Hà Nội tại Lâm Đồng, khi phát hiện mới tá hỏa công ty này đã tiêu thụ tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên trên 200 tấn phân NPK, phân vi sinh, đạm giả làm cho nhiều vườn cà phê, cây ăn quả  vàng lá, khô cành, rụng quả... Đó là chưa kể đến hàng chục vụ sản xuất kinh doanh cây giống, hạt giống giả làm cho lúa không trổ bông, ngô không cho hạt, đậu không ra hoa, dưa không cho trái… đã xảy ra ở Kon Tum, Dak Lak, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... gây thiệt hại cho nông dân hàng tỷ đồng. Hay như vừa qua ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai lại phát hiện hàng chục vụ kinh doanh ga giả, được chiết thủ công rất nguy hiểm, đến tem chống giả của cơ quan chức năng niêm phong trên bình ga cũng được làm giả rất tinh vi, nếu không có biện pháp nghiệp vụ thì rất khó phát hiện.

Có thể nói, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang có mặt trên khắp mọi ngã thị trường nước ta, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược với rất nhiều thủ đoạn tinh vi từ khâu sản xuất đến tiếp thị tiêu thụ, gây nên hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người tiêu dùng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Nguyên nhân chính khiến nạn hàng giả tồn tại và gia tăng là do lợi nhuận cao, sức “đề kháng” của người tiêu dùng thấp, sự quản lý và ngăn chặn của các cấp ngành chức năng còn nhiều bất cập. Mặc dù thời gian qua việc phòng chống hàng giả đã được triển khai đẩy mạnh, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra. Đó là sự thiếu đồng bộ trong phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng, nhiều địa phương gần như khoán trắng cho lực lượng quản lý thị trường, công an. Thêm vào đó kinh phí, phương tiện phục vụ cho hoạt động kiểm tra xác định hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn thiếu, không theo kịp với mức độ tinh vi “làm giả như thật” của bọn làm ăn bất chính hiện nay.
Đã đến lúc nhà nước cần rà soát, điều chỉnh ban hành cụ thể các văn bản pháp luật, với chế tài nghiêm minh làm cơ sở pháp lý đấu tranh với loại tội phạm kinh tế nguy hiểm này. Mặt khác cần có chính sách đầu tư thích đáng về đào tạo nhân lực, trang thiết bị đo lường kiểm định nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các loại hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông thị trường. Các hành vi sản xuất tàng trữ, tiêu thụ hàng giả phải được xử lý nghiêm minh trừng trị thích đáng, kể cả các tổ chức, cá nhân cho thuê địa điểm, phương tiện để sản xuất hàng giả (chứ như hiện nay, sau khi phát hiện cảnh cáo vài câu, phạt vài triệu đồng theo kiểu giơ cao đánh khẽ rồi đâu lại vào đấy, không có tác dụng gì lớn trong việc ngăn chặn hàng giả). Đi đôi với các giải pháp hành chính- kinh tế của nhà nước, thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng cũng cần nâng cao khả năng tự bảo vệ cho mình, cảnh giác với các thủ đoạn tiếp thị tinh vi của các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, kịp thời phát hiện tố giác với các cơ quan chức năng về hành vi sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ hàng giả. Có như vậy cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới đạt được kết quả như mong muốn. Đó là cách để các doanh nghiệp góp phần bảo vệ thị trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, cũng là cách người tiêu dùng tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tiền bạc của mình tốt nhất.

 

Ngô Minh Thuyên

 


Ý kiến bạn đọc