Multimedia Đọc Báo in

Cần nhanh chóng khắc phục những bất cập để công trình cấp nước Cư Pui tiếp tục phát huy hiệu quả

10:45, 30/10/2010

Công trình cấp nước xã Cư Pui (huyện Krông Bông) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH&VSMT) tỉnh quản lý được khởi công xây dựng từ tháng 12- 2008 với tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng gồm các hạng mục: bể lắng, bể lọc, 7 km đường ống, đồng hồ… Đến tháng 4-2009, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, bảo đảm cung cấp nước ổn định cho 478 hộ (trong đó có 270 hộ đồng bào dân tộc tại chỗ) thuộc 6 thôn, buôn trong xã.

Qua tìm hiểu được biết, do địa hình ở đây hầu hết là đất cát, dễ sụt lở nên rất khó đào giếng, việc thiếu nước diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Trước đây, bà con phải hứng nước mưa để dành nấu cơm, nước uống còn việc tắm giặt phải dùng nước suối. Từ khi có công trình cấp nước tập trung, bà con rất phấn khởi tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc TTNSH&VSMT tỉnh cho biết, tình trạng nợ tiền nước kéo dài  diễn ra từ năm 2009 và chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2010 đã có gần 100 hộ thuộc các buôn: Phung, K’Nung, B’Lắp, buôn Khanh, Dak Tuôr và thôn Điện Tân nợ trên 39 triệu đồng tiền nước. Không những vậy, hơn 70 hộ trên địa bàn xã còn tự ý cắt đường ống dẫn nước về sử dụng. Do không có hệ thống đồng hồ và van điều tiết nên nước cứ chảy tràn lan cả ngày lẫn đêm. Nhiều hộ còn xả nước ra ruộng để tưới hoa màu vào mùa khô. Vì vậy dẫn đến tình trạng nhiều hộ mặc dù đã đóng tiền đấu nối đầy đủ nhưng vẫn  không có nước sinh hoạt.

Kiểm tra công trình cấp nước Cư Pui.
Kiểm tra công trình cấp nước Cư Pui.
Anh Y Chin Êban (buôn Phung) bày tỏ: “Nhận thấy việc sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong gia đình nên tôi đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách-Xã hội với lãi suất 0,9%/tháng để đóng tiền đấu nối đồng hồ nhưng đến giờ vẫn chưa có nước sử dụng. Tôi chỉ mong sao ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng trên để gia đình nhanh chóng có nước sinh hoạt”. Anh Y Ber Niê, Trưởng Trạm cấp nước Cư Pui cho biết, công trình có công suất thiết kế cung cấp nước cho 770 hộ trên địa bàn xã nên trên đường ống chính chạy ngang các hộ, nhà thầu đã lắp đặt sẵn hệ thống ống chờ để tiện đấu nối đồng hồ. Biết được điều này, một số hộ đã tự ý cắt ra, lắp đặt đường ống âm dưới đất dẫn nước về dùng. Khi phát hiện tình trạng trên, Ban quản lý trạm đã bịt lại và nhắc nhở các hộ vi phạm nhưng chỉ được một thời gian họ lại tháo ra”. Hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Bồn cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với UBND xã, Ban tự quản các thôn, buôn tổ chức họp dân và trực tiếp tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như quy định xử phạt các hành vi vi phạm việc cấp thoát nước. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nếu chỉ tuyên truyền thôi sẽ không đủ sức răn đe nên về lâu dài để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ đã đóng tiền đấu nối đồng hồ, Trung tâm sẽ chỉ đạo cho Ban quản lý trạm tiến hành tháo dỡ hệ thống đường ống chờ để tập trung đấu nối và cấp nước cho những hộ có nhu cầu.

Việc đầu tư xây dựng Công trình cấp nước Cư Pui thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân xã vùng III, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, ngoài trách nhiệm của Trung tâm và Ban quản lý trạm thì chính mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản chung, nhất là việc đóng tiền nước và chi phí đấu nối đầy đủ để trạm có kinh phí tiếp tục duy trì hoạt động.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.