Multimedia Đọc Báo in

Thêm một Danh thắng Quốc gia “kêu cứu”

17:45, 13/04/2011

Thác Dray Kpơr thuộc địa bàn buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar được công nhận Danh thắng Quốc gia từ năm 2004. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là hiện nay ngọn thác này gần như bị lãng quên và đang có nguy cơ hoang phế do nạn phá rừng làm nương rẫy đã làm cạn kiệt dòng chảy của thác .

Cách trung tâm thị trấn Ea Kar 33km về hướng Đông Nam, thác Dray Kpơr nằm khuất sâu trong rừng Kpơr, là một trong năm thác nước trên địa bàn tỉnh Dak Lak được công nhận danh thắng cấp quốc gia. Theo tiếng Êđê, Dray nghĩa là Thác, Kpơr là Linh hồn. Rừng Kpơr cùng ngọn Thác Dray Kpơr được coi là khu rừng thiêng, là chốn tâm linh của người Êđê Đrao nơi đây. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng Kpơr là căn cứ chở che, nuôi dấu những chiến sĩ cách mạng. Người dân nơi đây tin rằng, chính Giàng và các vị thần linh ở khu rừng thiêng này đã bảo vệ cán bộ cách mạng, như Già làng ở đây kể: vào những năm 60, Mỹ tiến hành dồn dân, lập ấp để cô lập lực lượng cách mạng, người dân buôn Trưng cùng bộ đội đã dời vào rừng Kpơr trú ẩn, giặc biết được liền cho ném bom dữ dội xuống khu rừng, nhưng lạ thay, bộ đội ta và đồng bào buôn Trưng vẫn an toàn.

Danh thắng quốc gia nay chỉ còn là dốc đá trơ trọi.
Danh thắng quốc gia nay chỉ còn là dốc đá trơ trọi.

Rừng Kpơr có diện tích 68 ha, với nhiều loại động, thực vật phong phú và nguồn nước ngầm cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của người dân quanh vùng. Du khách đến Dray Kpơr từng cảm nhận: “Dòng Dray Kpơr làm duyên làm dáng trên mặt bằng trải dài hơn 100m, vươn rộng khoảng 50 m nước, trước sự lẫm liệt của núi với độ cao 550 m, rồi đột ngột đổ xuống như một trò ú tim, tạo ra thác nước cao đến 30 m trong sự ngỡ ngàng đến nguyên sơ, khiến du khách phải dừng chân ngẫm ngợi”. Thế nhưng ngày nay, rừng bảo vệ thác bị đốt trơ trụi, chỉ còn sót lại những gốc cây nham nhở. Đi sâu vào trong, dọc hai bên đường dẫn đến thác, cây  bị đốn hạ ngổn ngang. Những chỗ địa hình dốc, không tiện làm nương rẫy thì những cây gỗ lớn đều bị triệt hạ để lấy gỗ. Bước vào thác Dray Kpơr, một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Nguyên hiện ra trước mắt chúng tôi, nay chỉ còn trơ lại hình dáng hùng vĩ của dốc đá và dòng nước nhỏ chảy lặng lờ!

Ông Vương Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar cho biết, hiện vẫn chưa có dự án đầu tư khai thác du lịch nào vào thác này. Chỉ những dịp lễ, tết hội Cựu chiến binh xã Cư Bông mới tổ chức giữ xe cho khách đến tham quan. Nhưng với đà phá rừng như hiện nay, một vài năm nữa chắc chắn rừng Kpơr sẽ bị xóa sổ; khi đó ngọn thác Dray Kpơr huyền thoại cũng chỉ còn trơ đá.

 

Mai Lan

 


Ý kiến bạn đọc