17:28, 04/12/2011
Đến hẹn lại lên, thời điểm này người nông dân đang tất bật với việc thu hoạch cà phê. Chăm cả năm chờ một vụ, cùng với nỗi niềm mong ngóng thu hái thành quả lao động, bà con cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong đó có nỗi lo mất trộm cà…
|
An ninh mùa thu hoạch là yếu tố quan trọng giúp người dân thu hái bảo đảm tỷ lệ chín. |
Bắt đầu từ khi cà phê già quả, dù vẫn còn xanh nhưng vợ chồng chị Võ Thị Thùy ở xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) đã phải cắt cử nhau trông nom, đi đâu thì đi, khi nào cũng phải có người ở nhà. Và năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng 11 dương lịch là chị lại lên kế hoạch “kiệu” bố mẹ hoặc anh em ở Hà Tĩnh vào để hỗ trợ công việc hái cà. Chị Thùy chia sẻ: Mồ hôi, công sức, tiền bạc bỏ ra cả năm trời, nguồn thu của cả nhà đều trông vào 1 ha cà phê, không chú ý trông coi thì công cốc như chơi. Mùa thu hoạch cà phê vất vả đành rằng nhưng lo nhất là mất trộm. Cùng tâm trạng như chị Thùy, nhiều hộ dân còn sẵn sàng đầu tư mắc chuông báo trộm để bảo vệ cà phê khi đã thu hoạch về nhà. Nỗi lo càng nhân lên khi cà phê được mùa, được giá. Có lẽ bởi nỗi lo này mà ông Phạm Chí Thanh, trưởng thôn 12, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk) đã gọi mùa thu hoạch cà phê là “mùa củ mật” với các đối tượng trộm cắp và là “mùa củ gừng” đối với người trồng cà phê. Vất cả, tốn kém thuê mướn người thu hoạch, bà con nông dân cũng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trông nom, bảo vệ.
Nóng lòng khi cà phê còn trên vườn, trên rẫy nhưng sau khi đã thu hái xong rồi, nhiều người cũng chưa hết lo. Ông Thanh kể: ngay ở thôn 12 của ông, có gia đình mất cả tấn cà phê dù đã phơi khô, đóng bao, cất kỹ trong kho. Vậy nên, cứ đến thời điểm này, an ninh trật tự trên địa bàn là mối quan tâm hàng đầu của bà con. Hiện ban quản lý thôn 12 đã xây dựng chương trình công tác bảo đảm an ninh trật tự và thông báo trên loa truyền thanh. Trong thôn hai tổ an ninh được thành lập, mỗi tổ 3 người tổ chức tuần tra 4 đến 5 lần trong tháng, không thông báo trước. Đội tuần tra được trang bị đèn pin, quần áo, dụng cụ, chi phí bồi dưỡng do người dân đóng góp. Thời gian qua, một nhóm thanh niên khoảng 20 người là những đối tượng lười lao động, bỏ học, ăn chơi lêu lổng, ở các xã lân cận thường về thôn tụ tập lại đúng vào dịp chuẩn bị thu hoạch cà phê nên ai nấy đều thấp thỏm, lo lắng. Nhưng được sự giúp đỡ, phối hợp của chính quyền địa phương, lực lượng công an các cấp, nhóm đối tượng trên đã được bóc gỡ, bà con ai cũng mừng ra mặt. Thôn 12 còn trang bị một thùng thư góp ý để người dân kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng cũng như đề đạt ý kiến nhằm góp phần bảo đảm an ninh, giữ vững trật tự trên địa bàn.
|
Cà phê đã được đóng bao, cất kho vẫn chưa hết lo nếu không được bảo vệ tốt. |
Cuối năm là mùa “làm ăn” của các đối tượng nhất là trộm cắp cũng đồng nghĩa với đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm của lực lượng công an các địa phương. Là địa bàn có phần đông người dân sống bằng làm cà phê, đón đầu mùa thu hoạch cà phê, từ 15-8 đến 15-11-2011, Công an huyện Krông Năng đã thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự với nội dung hoạt động gồm: Tăng cường công tác nắm tình hình, tiến hành rà soát, kiểm danh kiểm diện nắm chắc diễn biến hoạt động các loại đối tượng trên từng địa bàn thôn, buôn, khối phố; thực hiện có hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nhất là kiểm tra tạm trú, tạm vắng, lưu trú, chú ý những hộ nhân khẩu sinh sống đã lâu không đăng ký thường trú, tạm trú, số nhân khẩu từ nơi khác đến làm thuê; ghi nhận đầy đủ các thông tin về nhân thân, lai lịch, quan hệ đối với những trường hợp có biểu hiện nghi vấn. Cũng để tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong thời điểm mùa thu hoạch cà phê, với 19 thôn, buôn, thay vì trước đây việc thành lập các tổ an ninh nhân dân, UBND xã Ea Hồ chỉ tiến hành xác nhận nhưng xác định vai trò quan trọng của lực lượng này nên từ tháng 11-2011, chính quyền địa phương thực hiện ra quyết định để nâng cao tư cách pháp nhân. Một nét mới nữa là để quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu, từ năm nay, tất cả những người đến làm thuê cùng với việc khai báo tạm trú, tạm vắng trên địa bàn xã Ea Hồ phải chụp ảnh thẻ 4x6, trong khi trước đây thủ tục rất đơn giản chỉ photo chứng minh nhân dân và nộp cho Ban Công an xã. Tổ an ninh nhân dân và công an viên các thôn, buôn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở kịp thời những gia đình có người đến làm thuê chưa khai báo; xử phạt nghiêm những trường hợp đã nhắc nhở nhưng chưa chấp hành. Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp trong mùa thu hoạch cà phê, lực lượng chức năng của địa phương cũng xử lý kiên quyết đối tượng vi phạm để tạo sức răn đe. Điển hình như trong tháng 10, Ban Công an xã Ea Hồ đã phạt một đối tượng 1,5 triệu đồng dù mới chỉ trộm cắp được 2 kg cà phê.
Với tổng diện tích 1250 ha cà phê, để bảo đảm an ninh trong vụ thu hoạch, ngay từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, UBND xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã ban hành văn bản yêu cầu ban tự quản các thôn, buôn chỉ đạo lực lượng dân quân và nhân dân lập kế hoạch, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị thu hoạch. Các tổ chức, cá nhân khi thu hoạch, vận chuyển cà phê từ vườn rẫy về phải thực hiện trước 22 giờ hằng ngày, quá thời gian trên phải trình báo với ban tự quản thôn, buôn và công an xã biết lý do. Công an xã phối hợp với lực lượng dân quân cơ động, ban tự quản thôn, buôn và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê.
Theo Chỉ thị 08 của UBND tỉnh về việc sản xuất và tiêu thụ cà phê niên vụ 2011-2012, các trường hợp thu hái, mua bán cà phê xanh, cà phê non sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Vẫn biết khi chưa bảo đảm tỷ lệ chín sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng” để tránh mất trộm. Cho nên liều thuốc chính đã hóa giải tâm lý trên chính là vấn đề giữ vững an ninh trật tự mỗi mùa thu hoạch, đó cũng là gốc rễ quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc