Lập lại hành lang ATGT đường bộ: Vẫn còn nhiều thách thức
Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg, ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua tỉnh ta luôn chú trọng đến công tác lập lại hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường bộ, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện.
Các điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường bộ sẽ bị giải tỏa |
Tỉnh ta có 3 quốc lộ (QL) đi qua, gồm: QL14, QL26 và QL27, với tổng chiều dài trên 333Km. Hiện các tuyến QL trên đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để bảo đảm giao thông thông suốt và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Thực hiện Quyết định 1856, UBND tỉnh, Sở GTVT, đơn vị quản lý đường bộ và UBND các huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành nhằm đẩy mạnh công tác lập lại HLATGT trên các tuyến QL. Với nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó chú trọng vận động người dân tự nguyện tháo dỡ những công trình vi phạm HLATGT trong phạm vi 5-7 mét, đến nay tỉnh ta đã hoàn thành giai đoạn II với khối lượng công việc: toàn bộ cây cối, tường rào, lều quán… vi phạm HLATGT trên các tuyến QL trong phạm vi 5 mét đã được giải tỏa. Ông Nguyễn Công Xuân, Trưởng phòng Giao thông, Sở GTVT cho biết: để đạt được kết quả như trên, ngoài yếu tố khách quan như một số đoạn trên QL14 do đặc thù địa hình rừng núi, khu dân cư thưa, thuận lợi cho công tác giải tỏa, nhưng yếu tố quan trọng và có tính quyết định nhất là nhờ sự đồng tình ủng hộ của những hộ dân dọc tuyến và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành với chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giải tỏa cũng gặp không ít khó khăn như: khối lượng công việc nhiều, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng hạn hẹp, giá cả tăng cao, đặc biệt trên địa bàn tỉnh tồn tại dày đặc các điểm đấu nối ra QL, với 1.622 vị trí đấu nối, trong đó 809 điểm ngoài khu vực đô thị, 813 điểm trong đô thị. Như vậy, số lượng đường ngang không phù hợp nối với các tuyến QL trên địa bàn tỉnh gấp 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đơn cử như trên địa bàn huyện Krông Buk, đoạn từ Km674+450 đến Km694+930, chỉ 20 km, nhưng tồn tại trên 200 đường ngang đấu nối với QL (trung bình 1km có 10 điểm), trong khi theo quy hoạch điểm đấu nối ngoài khu đông dân cư trên tuyến đường này chỉ có 72 điểm. Tương tự, trên QL27 dự kiến đấu nối khoảng 51 điểm, nhưng thực tế có tới 215 điểm đang tồn tại. Trước thực trạng đó, Sở GTVT đã lập hồ sơ quy hoạch các điểm đấu nối vào QL trên địa bàn tỉnh, tiến hành xóa bỏ 512 điểm đấu nối không phù hợp và dự kiến quy hoạch đấu nối 207 điểm ngoài đô thị, bảo đảm cự li tối thiểu giữa 2 điểm đấu nối liền kề không nhỏ hơn 1.500 mét đối với đường cấp III đang khai thác (tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 39/TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày 18-5-2011). Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, thì việc lập dự án quy hoạch điểm đấu nối trên địa bàn tỉnh còn chậm. Nghị định nêu rõ: năm 2008, UBND các tỉnh phải hoàn thành việc quy hoạch hệ thống đường gom hành lang QL và đến ngày 31-3-2009, phải xóa bỏ 50% số đường ngang đấu nối trái phép. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới chỉ có 30 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ xin thỏa thuận đấu nối đường ngang vào các tuyến QL, các tỉnh còn lại vẫn chưa hoàn thành việc lập dự án quy hoạch hoặc đã hoàn thành nhưng chưa đạt được các yêu cầu đề ra nên nhiều lần Cục Đường bộ VN phải trả hồ sơ yêu cầu thiết kế lại.
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, ngày 2-4-2010, việc xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng. |
Trong khi đó, để thực hiện giai đoạn III Quyết định 1856, cần có nguồn kinh phí rất lớn, riêng trên QL 27, đoạn qua địa phận tỉnh ta ước chừng khoảng 20 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn kinh phí “đội” lên cao do chính quyền địa phương cấp đất có sổ đỏ nằm trong phạm vi hành lang đường bộ, gây khó khăn cho công tác giải tỏa. Không những thế, ở một số đoạn, sau khi hành lang đường bộ đã được giải tỏa xong, nhưng do chưa có giải pháp quản lý mặt bằng dẫn đến các hộ dân tái lấn chiếm; việc ngăn chặn xây dựng mới công trình trong phạm vi HLATGT đường bộ gặp nhiều khó khăn.
Sở GTVT cho biết: để trả lại sự thông thoáng cho các tuyến QL, sau khi thỏa thuận với Bộ GTVT về quy hoạch các điểm đấu nối, đơn vị sẽ trình UBND tỉnh về quy hoạch các điểm, cửa hàng xăng dầu và hệ thống đường gom 2 bên QL. Cùng với đó, chính quyền địa phương từ cấp xã trở lên phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tránh tình trạng tái lấn chiếm HLATGT đường bộ.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc