Multimedia Đọc Báo in

Đề án bảo tồn voi Dak Lak: Tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để voi nhà sinh sản

23:08, 12/10/2012

Voi nhà sinh sản là việc làm được! - Đó là khẳng định chắc chắn của các nhà khoa học khi xây dựng Đề án bảo tồn voi. Theo Đề án, voi nhà Dak Lak sẽ được tạo điều kiện hết mức để… sinh sản.

 

Xây dựng khu vực sinh sản cho voi

Dak Lak hiện còn 51 con voi nhà, trong đó ở huyện Buôn Đôn là 30 con, ở huyện Lak là 21 con. Rất may là trong số này, có một nửa số voi đực và cái trưởng thành, nằm trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, để sinh sản ra được một chú voi con là cả một quá trình dài gian nan, khổ ải.

Thay vì phục vụ du lịch, voi cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe để sinh sản.
Thay vì phục vụ du lịch, voi cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe để sinh sản.

Vào mùa động dục, voi đực trở nên hung dữ, có thể làm hại voi cái và thậm chí cả nài voi. Tập tục của người bản địa, nếu voi đực làm bị thương voi cái thì chủ voi bị phạt đền rất nặng, nhiều khi đền một con trâu trưởng thành. Để không bị phạt vạ, chủ voi đã cách ly voi đực hoàn toàn với voi cái. Do đó, 20 năm nay, voi nhà hoàn toàn không sinh sản. TS. Cao Thị Lý, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đai học Tây Nguyên) cho biết: Trong thời gian dài, bản năng sinh sản không được đáp ứng khiến tập tính sinh sản của voi nhà thay đổi, điều này gây khó khăn lớn trong việc giúp voi nhà tìm lại bản năng sinh sản. Để voi nhà Dak Lak có thể sinh sản, có 3 việc cần làm ngay: Trước hết, cần xây dựng một khu vực tập trung để voi có thể làm quen, kết bạn với nhau rồi đi đến giao phối. Bởi voi cũng gần giống con người, cần có thời gian “tìm hiểu” trước khi trở thành bạn tình. Khu vực này phải có sinh cảnh giống với điều kiện sống tự nhiên của voi, có thức ăn phong phú và hơn hết là phải bảo đảm an toàn, kín đáo. Thứ hai, Đề án thực hiện chính sách tài chính rộng mở để chủ voi đồng ý đưa voi về rừng. Theo đó, cả chủ voi lẫn voi nhà được Nhà nước chi trả trong quá trình sinh sản, nếu voi mang thai thì quá trình trả tiền kéo dài đến khi sinh hạ voi con, như vậy không mất đi thu nhập do voi mang lại mà voi còn được nghỉ ngơi, chăm sóc tốt nên tất cả nài voi đều hồ hởi hưởng ứng. Thứ ba là khi thực hiện Đề án, nguồn nhân lực có chuyên môn về voi cũng rất quan trọng và cần thiết.

Ông Huỳnh Trung Lân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak, cho hay: Tổng kinh phí của Đề án là 60 tỷ đồng, kéo dài từ nay đến hết năm 2014. Trong Đề án sẽ xây dựng 2 khu tập trung tại huyện Buôn Đôn với diện tích 200 ha, và huyện Lak là 100 ha. Ở đây cũng đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, gồm bệnh viện voi, vườn ươm thức ăn voi với khoảng 70 loài cây cỏ… Theo đó, vào mùa động dục từ tháng 6–10 hằng năm, voi được tập trung về đây, được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn để có thể sinh sản. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn voi đã cử 4 nhân viên đi tập huấn chăm sóc voi tại Thảo cầm viên Sài Gòn trong 15 ngày; và trong tương lai, Trung tâm sẽ cử cán bộ ra các nước thành công trong bảo tồn voi như Sri Lanka, Thái Lan… để học hỏi, nâng cao chuyên môn. Trung tâm Bảo tồn voi hiện có 12 biên chế, trong đó chỉ có một thạc sĩ thú y về động vật nói chung chứ không có chuyên gia nào về voi; mặt khác, ở Việt Nam chưa có ngành đào tạo nào về động vật hoang dã lớn như voi.

Bảo tồn được voi mới giữ được văn hóa truyền thống

PGS. TS. Bảo Huy (bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa Nông lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên) đã dành rất nhiều tâm sức để xây dựng Đề án bảo tồn voi; ông khẳng định: “Voi nhà sinh sản là việc làm được, nhưng phải khẩn trương, bởi trong 5–10 năm nữa, voi nhà ở Tây Nguyên sẽ hết tuổi sinh sản”.


Voi nhà bị xiềng xích, khai thác kiệt quệ cho du lịch.
Voi nhà bị xiềng xích, khai thác kiệt quệ cho du lịch.

Nhìn sang các nước khác, như Thái Lan thành lập Trung tâm Thuần dưỡng voi châu Á đầu tiên trên thế giới vào năm 1969; cạnh đó, Viện Voi quốc gia đặt dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan với nhiều hoạt động như bệnh viện voi, đội cứu hộ voi, đội khám chữa bệnh lưu động cho voi trên khắp đất nước, đào tạo quản tượng... Hay ở Sri Lanka, năm 1975, nước này chỉ có 5 con voi con là những con thất lạc được cứu hộ về trại voi, đến năm 2009, bằng phương pháp sinh sản tự nhiên, nước này đã có đàn voi với số lượng 84 con. Dựa trên kinh nghiệm của thế giới, có thể khẳng định rằng cho voi sinh sản tự nhiên là một việc nằm trong tầm tay.

Cùng với quá trình sinh sản voi tự nhiên, các lớp truyền dạy nghề săn bắt, nuôi dưỡng và huấn luyện voi cũng được tổ chức do các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy. “Bản sắc của Tây Nguyên là gắn liền với voi, nên voi con sinh ra cần linh hoạt giao cho các nài voi chăm sóc, huấn luyện. Nhờ đó, văn hoá cộng đồng về voi được lưu truyền cho thế hệ sau”, PGS. TS. Bảo Huy trăn trở. Vừa giúp voi sinh sản, nhân số lượng cá thể nhưng cũng phải lưu giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống liên quan đến voi mới được xem là thành công trong bảo tồn voi Dak Lak.

Các nhà khoa học đã tâm huyết, nhưng trên hết cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt từ chính quyền để Đề án triển khai nhanh trong thực tế. Nhắc đến Tây Nguyên, trong tâm thức của mọi người dân Việt là nhà dài, cồng chiêng và những chú voi rừng được thuần dưỡng. Hy vọng với đề án này, Dak Lak sẽ gìn giữ được bản sắc “độc nhất vô nhị” như đua voi, phục dựng cảnh săn bắt thuần dưỡng voi, cúng voi, voi đá bóng, vượt sông…

Song hành với sinh sản tự nhiên, Đề án cũng nói đến sinh sản nhân tạo. Nhưng theo các chuyên gia, sinh sản nhân tạo chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, nghiên cứu chứ thực tế Việt Nam chưa có điều kiện để triển khai. Ngay các nước như Sri Lanka hay Thái Lan, sinh sản nhân tạo voi rất khó khăn và hiếm hoi.

Hà Thương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.