Thách thức trong bảo tồn voi
Đàn voi nhà cũng như voi rừng Dak Lak đang suy giảm nhanh chóng về số lượng. Tuy Dự án bảo tồn voi đã được HĐND tỉnh thông qua, nhưng qua thực tế cho thấy đàn voi không vì thế mà được bảo vệ tốt hơn, chúng vẫn liên tục suy giảm. Mới đây nhất, vào ngày đầu năm mới Quý Tỵ, một voi nhà phục vụ du lịch đã bị chết không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói, đây là con voi cái còn rất trẻ, đang ở độ tuổi sinh sản sung mãn.
Vắt kiệt sức voi nhà
Đúng ngày mùng 2 Tết Quý Tỵ, người dân Dak Lak đón nhận tin buồn khi con voi cái H’plo, 35 tuổi, tài sản của Trung tâm Du lịch Bản Đôn (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak) nằm chết trong rừng thuộc VQG Yok Đôn trong lúc được thả ăn. Nguyên nhân voi chết đến nay vẫn chưa thể xác định, cơ thể voi sau khi chết vẫn bình thường, không hề có dấu hiệu tác động từ ngoại lực. Từ thực tế hiện trường voi chết và mức độ khai thác du lịch voi như hiện nay, người ta đặt nhiều giả thiết nguyên nhân voi chết là do kiệt sức vì lao động. Giả thiết này có cơ sở, bởi thời điểm voi H’plo chết, cũng là vào mùa cao điểm của hoạt động du lịch cưỡi voi. Ai đã từng một lần vào Buôn Đôn, hồ Lak, nơi có hoạt động du lịch cưỡi voi, chứng kiến cảnh voi “bị bắt làm du lịch” mới thấy chúng vất vả đến dường nào. Y Thế K’nul, nài voi ở Khu du lịch sinh thái spa Bản Đôn kể cho chúng tôi biết về lịch làm việc của voi nhà: thông thường, voi sau một ngày làm việc sẽ được các chủ voi, nài voi đánh vào rừng xích chân vào gốc cây rừng bằng một sợi dây xích lớn, dài khoảng 50m, voi tự kiếm ăn trong bán kính 50m đó. Sáng sớm hôm sau, các nài voi vào rừng đưa voi về nhà, đóng bành rồi đưa đến các trung tâm du lịch xích chân vào bãi tập kết chờ lệnh điều voi. Khách có nhu cầu, voi sẽ được điều đi cõng khách. Một voi như vậy có thể cõng 3 – 4 khách là người lớn trên lưng.
Vào mùa cao điểm du lịch, voi làm việc quần quật không có thời gian nghỉ |
Tính ra, một ngày voi phải cõng trên lưng hàng chục lượt khách, nếu trúng vào dịp lễ, tết voi được huy động tối đa, liên tục cõng, trả khách đến không có thời gian nghỉ. Thỉnh thoảng chúng mới được nài voi cho ăn một khúc chuối hoặc mía được chặt ngắn để sẵn dưới bành. Khoản tiền thu được trong ngày từ hoạt động du lịch cưỡi voi sẽ được cưa đôi 50/50 cho cả trung tâm du lịch và chủ voi. Ngoài ra, phần thức ăn cho voi sẽ do các chủ, nài voi tự lo liệu. Để tiết kiệm tối đa chi phí, thường sau một ngày cõng khách đến mệt lử, voi sẽ được chủ đưa vào rừng xích chân thả tự kiếm ăn trong đêm nhằm tiết kiệm tiền mua thức ăn. Quy trình khai thác sức voi cứ diễn ra đều đều mỗi ngày như vậy, trong khi rừng Dak Lak đã bị suy kiệt, thức ăn cho voi không còn dồi dào như trước, các loại cây thuốc không còn, voi lỡ có ốm đau, bệnh tật chúng muốn tự tìm cây thuốc để ăn chữa bệnh cũng không có, muốn đi ăn xa thì chân đã bị xích, hỏi sao chúng không kiệt sức và gục ngã!
Thách thức trong bảo tồn voi
Theo như giới chuyên môn thống kê, vào năm 1980, đàn voi nhà có 502 con, thì đến năm 1990 đã sụt giảm gần một nửa khi chỉ còn 298 con, đến năm 2000 thì còn 96 con và hiện tại chỉ còn 51 con. Chỉ tính từ năm 2009 đến hết năm 2012 đã có 15 con voi rừng tử nạn, trong đó có 4 con voi trưởng thành được xác định bị bắn giết để lấy ngà, lông đuôi; 11 con chết không rõ nguyên nhân. Đàn voi nhà cũng có đến 10 con “ra đi” vĩnh viễn, và đầu năm mới 2013, voi cái H’plo bất ngờ bị chết đã nâng tổng số đàn voi nhà bị chết lên 15 con trong 4 năm qua.
Ngoài sự sụt giảm chóng mặt về số lượng, điều khiến người làm công tác bảo tồn voi lo ngại nhất hiện nay đó là đàn voi đang bị già hóa, khi có đến hơn 30% đã lên chức “cụ”, không còn khả năng sinh sản. Điều này đã được chứng minh trong khoảng 20 năm trở lại đây, đàn voi nhà không có thêm voi con nào chào đời.
Voi bị xích chân chờ cõng khách tại khu du lịch Buôn Đôn |
Ông Đàng Năng Long, ở huyện Lak, người sở hữu đàn voi nhà nhiều nhất Việt Nam hiện nay thừa nhận: từ năm 1992 đến nay, trong số đàn voi nhà của ông, chỉ có mỗi một con voi cái sinh con, nhưng được 3 tháng tuổi thì chết, từ đó đến nay không còn voi cái nào mang thai. Ông cũng đã ghép đôi để voi “yêu” nhau, nhưng việc chúng chịu quan hệ để sinh con thì vẫn không xảy ra. Theo ông Long, voi là loài cực kỳ khó tính trong chuyện “quan hệ” nếu chúng đã không thích, có cố ép đến mấy cũng sẽ không bao giờ có kết quả.
Cũng theo kinh nghiệm của nhiều chủ voi, nài voi, sở dĩ đàn voi hiện nay khó sinh sản bởi thực tế vào mùa động dục của voi cũng là mùa cao điểm về du lịch, voi bị vắt kiệt sức vì mục đích du lịch nên chúng không còn thời gian để vui chơi, tìm hiểu bạn tình. Không chỉ đang già hóa, sức khỏe của đàn voi nhà cũng đang gặp rất nhiều vấn đề, chúng bị mắc rất nhiều loại bệnh. Trong khi đó, đội ngũ chuyên môn để chăm sóc, chữa bệnh cho voi hiện nay vẫn chưa có. Mọi vấn đề chữa trị cho voi vẫn chỉ dựa trên kinh nghiệm dân gian
Trước sự sụt giảm của đàn voi nhà Dak Lak cũng như sự chậm trễ trong công tác bảo tồn, PGS.TS Bảo Huy - Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Dak Lak được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010 cảnh báo: muốn đàn voi không bị tuyệt chủng, việc cần kíp nhất hiện nay là cho voi nhà sinh sản nhân tạo, bởi nếu chậm trễ vài năm nữa, e rằng voi sẽ không còn khả năng sinh sản vì chúng đã quá già.
Lê Văn
Ý kiến bạn đọc