Câu chuyện quản lý:
Mũ bảo hiểm có tem chưa chắc đạt chuẩn!?
Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã công bố những con số điều tra, khảo sát gây sốc tại hội thảo. Đó là ngay cả các MBH đã được dán tem cũng... chưa bảo đảm chỉ số hấp thụ xung động - tức chỉ số bảo đảm an toàn cho người đội khi bị va đập, tiêu chí quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dùng. Minh chứng cụ thể là trong 80 MBH nằm trong danh sách đạt chuẩn được chọn ngẫu nhiên tại một số tỉnh, thành và đem đưa đi thử nghiệm thì có tới 81% mũ đạt yêu cầu về trọng lượng, các bộ phận cần thiết nhưng chỉ có... 18,9% mũ đạt yêu cầu về hấp thụ xung động. Ngạc nhiên là đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng đã thẳng thắn công nhận nghiên cứu của WHO là chính xác, tuy còn băn khoăn về mức độ.
Năm 2007 Việt Nam quy định bắt buộc đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy trên mọi tuyến đường. Quy định đã trở thành thói quen của hầu hết người dân và đây có thể coi là một thành công lớn. Cũng xung quanh câu chuyện MBH, ngành chức năng, các cơ quan truyền thông phải vất vả với việc tuyên truyền để loại bỏ những chiếc mũ thời trang na ná giống với MBH. Cái đích của tất cả mọi nỗ lực là vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành, không đội mũ theo kiểu đối phó bằng cách sử dụng những chiếc MBH hợp quy, có dán tem CR. Nhưng đến giờ cơ quan có chức năng thẩm định chất lượng của những “chiếc nồi cơm điện” này là khẳng định có tem CR cũng chưa chắc đạt chuẩn thì quả là gây “nhiễu” cho nhiều vấn đề đang được triển khai, bàn thảo. Thứ nhất, nếu như theo lập luận của lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng: Tem CR không phải là chứng nhận thật hay giả mà chỉ là bằng chứng chứng tỏ sản phẩm dán tem đó là chấp hành pháp luật, đó là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nếu không có tem sẽ bị xử phạt; không thể lấy tem đó làm căn cứ phân biệt hàng thật, hàng giả ... cũng không thỏa đáng. Bởi “sản phẩm dán tem đó là chấp hành pháp luật” cũng phải đồng nghĩa với chứng nhận sản phẩm đó là thật, đạt chất lượng; không thật, không đạt chất lượng làm sao được coi là chấp hành pháp luật. Còn nếu lý lẽ này được chấp nhận thì dư luận có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ về tính hình thức trong kiểm định chất lượng, việc dán tem chỉ cho có để không bị bắt. Như vậy, nếu người đội MBH giả, nhái bị xử phạt thì cơ sở để thẩm định và xử phạt càng khó khăn. Thứ hai, lâu nay người tiêu dùng và cả các cơ quan chức năng vẫn luôn tin tưởng và coi mũ có tem là dấu hiệu để nhận biết mũ đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng. Theo đó, Ban An toàn giao thông của nhiều địa phương đã và đang tổ chức các điểm bán MBH đạt chuẩn, đổi MBH không đạt chuẩn lấy mũ đạt chuẩn, có dán tem CR. Thông tin trên dễ khiến người tiêu dùng băn khoăn, do dự thậm chí nghi ngờ và thiếu mặn mà với chương trình.
Phần đông khách hàng đều chọn mua những mũ bảo hiểm có tem hợp chuẩn. (Ảnh minh họa). |
Để tránh mua phải sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng, một trong những cơ sở để làm người tiêu dùng thông thái là xem kỹ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Lời khuyên của các nhà quản lý vẫn là thế. Nhưng từ chuyện chiếc tem CR trên MBH, người tiêu dùng thêm lạc vào ma trận.
Rõ ràng, những chiếc MBH giả, nhái và có tem CR cũng chưa chắc đạt chuẩn vẫn tồn tại trên thị trường đã bộc lộ những sơ hở bắt đầu từ gốc, tức trong kiểm tra từ khâu sản xuất đến kinh doanh, buôn bán trong thực thi chức năng nhiệm vụ của cơ quan chức năng.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc