Multimedia Đọc Báo in

Công trình thủy lợi xuống cấp - hiểm họa khó lường!

09:08, 23/08/2013

Kết quả đợt kiểm tra bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2013 mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho thấy hiện có rất nhiều công trình đã và đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 16 công trình hồ chứa thủy lợi cần phải được sửa chữa gấp để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm 2013. Cùng với “bài toán” nan giải về kinh phí sửa chữa thì mối lo đang đè nặng lên các cơ quan, đơn vị quản lý cũng như người dân chính là nguy cơ mất an toàn của các công trình này với những hiểm họa khó lường…

Cây  cầu bắc qua đập tràn công trình thủy lợi xã Cư K'pô (Krông Buk) bị hư hỏng nặng, rất nguy hiểm cho người qua lại khi mùa mưa lũ về
Cây cầu bắc qua đập tràn công trình thủy lợi xã Cư K'pô (Krông Buk) bị hư hỏng nặng, rất nguy hiểm cho người qua lại khi mùa mưa lũ về.

Dak Lak hiện có tổng cộng 554 hồ chứa nước lớn nhỏ với trữ lượng chứa khoảng 1.770 triệu m3 nước. Trong đó, lòng hồ thủy điện có 15 hồ với trữ lượng chứa 1.120 triệu m3 nước, còn lại 539 hồ chứa lớn nhỏ phục vụ mục đích thủy lợi với trữ lượng chứa 650 triệu m3 nước. Trong số các hồ chứa nước thủy lợi, ngoại trừ 13 công trình lớn và vừa do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý khai thác là cơ bản bảo đảm an toàn thì hầu hết các công trình còn lại do các huyện, xã, hợp tác xã dùng nước và các doanh nghiệp quản lý đều đã xuống cấp, thậm chí có nhiều công tình đã xuống cấp trầm trọng.

Nguy cơ vỡ đập

Kết thúc đợt kiểm tra bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2013 mới đây, Sở NN-PTNT đã thống kê danh mục tổng cộng 16 công trình hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng nghiêm trọng cần được sửa chữa gấp để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm 2013.

Điển hình là hiện trạng hồ Krông Ana nằm trên địa bàn xã Cư Pơng (Krông Buk), qua kiểm tra cho thấy thân đập đã bị sạt lở nghiêm trọng, tràn xả lũ là tràn đất, phần đuôi tràn bị sạt lở và đang xói sâu vào đập đất. Tại hồ Vườn Ươm trên địa bàn xã Pơng Drang (Krông Buk), đoàn kiểm tra đã ghi nhận hiện trạng: đập đất, thân đập thấp, mái đập phía thượng lưu bị sạt lở, tràn xả lũ bị dân lấn chiếm làm nhà ở, cống lấy nước qua đập bị hư hỏng nặng. Tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), qua kiểm tra hồ Ea Kmiên 3 cho thấy: Hồ không có tràn xả lũ, khẩu độ cống nhỏ không đủ thoát nước, nước đã từng tràn qua đập đất nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, tại hồ Đội C19 (xã Ea Riêng, M’Drak), mái thượng, hạ lưu đập bị xói mòn, thân đập bị thấm nước mạnh; một số hộ dân đã lấn chiếm trồng cà phê trên mái đập, lòng hồ bị lấn chiếm làm ruộng; tràn không bảo đảm khả năng thoát lũ, ngưỡng tràn bị vỡ; không có cống đầu mối và kênh mương. Nguy hiểm hơn là ở hồ thôn 6B  xã Hòa An (Krông Pak), mặt đập kết hợp đường giao thông đã bị nứt dọc, vết nứt dài khoảng 50m cách tim đập chỉ 0,8m về phía hạ lưu. Trong khi đó phía hạ lưu đã bị người dân đào ao lấn chiếm, mái hạ lưu không bảo đảm an toàn… Ngoài ra, còn có rất nhiều công trình hồ chứa không được phát dọn cây cối trên đập và tràn xả lũ, gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện về lún và thấm. Thậm chí nhiều công trình còn để người dân làm nhà ngay trên thân đập và trên tràn xả lũ. Một số công trình không có tràn xả lũ, hoặc khẩu độ thoát lũ không bảo đảm… Đây chính là những nguyên nhân gây mất an toàn công trình nghiêm trọng và là nguy cơ gây vỡ đập trong mùa mưa lũ rất lớn.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Phạm Tiến San, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng, mất an toàn của các hồ đập thủy lợi. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất chính là do lịch sử hình thành của các hồ này. Ông San phân tích: Hầu hết các hồ đã xuống cấp là hồ nhỏ, chủ yếu là phục vụ tưới cà phê. Các hồ này đã có từ lâu nên không hề có thiết kế mà chỉ được làm tạm bợ theo kiểu “be bờ đắp đập” để giữ nước, tràn thì làm tạm trên nền đất tự nhiên… Rồi dần dà hồ được tu bổ, gia cố thêm hằng năm nên không thể có kết cấu chắc chắn, bền vững được. Trong khi đó, công tác sửa chữa công trình để bảo đảm an toàn thời gian gần đây gần như không được thực hiện do “vướng” vấn đề kinh phí.

Thực trạng các công trình hồ chứa thủy lợi đã vậy, nhưng đáng lo hơn là một số các chủ quản lý công trình, đặc biệt là các công trình do huyện, xã, hợp tác xã dùng nước quản lý vẫn còn coi nhẹ công tác an toàn hồ chứa.  Thực tế cho thấy, chủ quản lý hồ chứa thì đa dạng, trong khi đó đa số người quản lý trực tiếp các hồ thì lại không đủ trình độ năng lực chuyên môn. Hầu hết các công trình UBND cấp huyện giao cho các xã, hợp tác xã dùng nước quản lý thì cán bộ quản lý đều là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên ngành quản lý thủy lợi. Còn các công trình do doanh nghiệp quản lý, nhìn chung cán bộ là kiêm nhiệm, không qua chuyên ngành nên chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý, khai thác theo quy định hiện hành. Đây chính là một trong những bất cập đáng quan ngại kéo dài trong thời gian qua mà theo ông San là cần sớm khắc phục ngay để nâng cao chất lượng quản lý, kiểm tra, vận hành các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ sắp đến.

Không nên chủ quan!

Rõ ràng, thực thế xuống cấp, thậm chí hư hỏng nghiêm trọng của các hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa bão năm nay đang khiến các cơ quan quản lý “đau đầu” và người dân lo lắng. Nhưng làm thế nào để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa lại cũng đang là “bài toán” nan giải đối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các địa phương. Bởi theo tính toán của ông Phạm Tiến San, chỉ với 16 công trình hồ đập chứa nước hư hỏng nặng nêu trên, nếu chỉ sửa tạm để chống chọi được với mùa mưa bão năm nay thôi thì mỗi công trình cũng phải mất trung bình từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Còn nếu thực sự sửa chữa để bảo đảm an toàn lâu dài thì trung bình số kinh phí phải lên đến 10-15 tỷ đồng/công trình – số tiền quá lớn đối với khả năng của các chủ quản lý hồ chứa!

Trước thực tế đó, giải pháp tạm thời của Sở NN&PTNT là đề nghị các chủ quản lý công trình có biện pháp xử lý, sửa chữa tạm thời, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng công trình trong mừa mưa lũ năm nay. Về lâu dài, Sở cũng đề nghị các chủ quản lý công trình khẩn trương lập dự án sửa chữa nâng cấp công trình, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn xây dựng để công trình bảo đảm an toàn lâu dài cũng như phát huy được năng lực thiết kế.

“Đây là các công trình thủy lợi nhỏ hư hỏng nghiêm trọng cần sửa chữa gấp để bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ năm 2013, do đó chúng tôi đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, các chủ hồ, đập bố trí kinh phí sửa chữa tạm. Riêng đối với các công trình do các huyện, xã, hợp tác xã dùng nước quản lý, nếu địa phương không có kinh phí thì chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí dự phòng để sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình này. Bởi thực trạng hư hỏng của các hồ hiện tại là không thể chủ quan được.” – ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết. Cũng theo ông Thành, về lâu dài, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng xuống cấp theo thứ tự ưu tiên…

Cùng với đó, ông Phạm Tiến San cho biết sắp tới sẽ tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa chương trình an toàn hồ đập vào Chương trình mục tiêu Quốc gia để có kế hoạch đầu tư hằng năm. Đồng thời đề nghị các công ty đang quản lý hồ đập trên địa bàn, nếu không có kinh phí sửa chữa thì so ý kiến với đơn vị chủ quản kiến nghị với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình. Có như vậy thì về lâu dài, các hồ đập thủy lợi mới bảo đảm được độ an toàn cao mỗi khi mùa mưa lũ về.

Ông Phạm Tiến San (Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Dak Lak): 

-“Đặc điểm hồ chứa nước ở Dak Lak có điểm rất khác với đồng bằng, đó là: các hồ chứa nằm ở dạng bậc thang, trên mỗi dòng sông (hoặc suối) có rất nhiều hồ chứa nước nằm rải rác từ trên cao xuống thấp. Do đó, nếu chỉ một sự cố rất nhỏ xảy ra ở hồ chứa trên thượng lưu thì rất dễ xảy ra sự cố “dây chuyền”…

-“Dak Lak có hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện chỉ mới có 3 công trình thủy lợi có quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt (hồ chứa nước Ea Súp thượng, hồ chứa nước Buôn Yong và hồ Krông Buk hạ). Các công trình thủy lợi còn lại đều chưa có hoặc chưa được phê duyệt quy trình vận hành theo đúng quy định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 7-5-2007 của Chính phủ!”.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc