Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế siết chặt an toàn trong tiêm chủng

19:50, 22/10/2013

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, mới đây ngành Y tế tỉnh đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng của công tác tiêm chủng, nhất là vào thời điểm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem chuẩn bị được sử dụng trở lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo chân đoàn kiểm tra của ngành Y tế đến kiểm tra công tác tiêm chủng tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn tiêm chủng vẫn có không ít cơ sở xem nhẹ vấn đề này. Đơn cử như Trạm Y tế xã Krông Buk (huyện Krông Pak). Là nơi trực tiếp thực hiện tiêm các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ và tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ từ 15-49 tuổi trên địa bàn, song quy trình tiêm chủng ở Trạm thực hiện khá lỏng lẻo, cẩu thả: sổ sách ghi chép không thể hiện đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của đối tượng đã tiêm vắc xin; không có biểu mẫu ghi chép  thống kê tiêm chủng; chưa xây dựng được góc tuyên truyền về tiêm chủng theo quy định; việc lưu vỏ lọ vắc xin và bơm kim tiêm sau tiêm chủng chưa được thực hiện chặt chẽ; việc theo dõi nhiệt độ của dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin bị bỏ quên… Đặc biệt, hầu hết cán bộ và nhân viên của Trạm đều không nắm được các văn bản của Bộ Y tế quy định về công tác tiêm chủng như Quyết định 23 về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị; Quyết định 2620 hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh mặc dù các văn bản này đã có từ những năm trước. Lý giải nguyên nhân của việc này, điều dưỡng Huỳnh Vĩnh Phúc, cán bộ chuyên trách về công tác tiêm chủng của Trạm cho rằng: “do mới đảm nhận nhiệm vụ trong vài tháng gần đây nên chưa nắm hết các quy định”. Thế nhưng, khi được đoàn kiểm tra hỏi về văn bản mới được ban hành vào ngày 21-8 vừa qua là Quyết định 3029 phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, điều dưỡng Phúc lại biện bạch: “Trạm đã nhận được văn bản từ Trung tâm Y tế huyện, nhưng do nhiều việc quá nên chưa kịp xem(!?)”.

Tương tự, phòng tiêm chủng của khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar cũng thiếu thốn đủ bề, từ việc không có chỗ ngồi đợi trước tiêm chủng, không có bàn tư vấn và khám chỉ định trước khi tiêm, không có chỗ ngồi theo dõi 30 phút sau tiêm, vỏ lọ vắc xin và bơm kim tiêm không được lưu trữ theo quy định… cho đến thiếu phích vắc xin để vận chuyển vắc xin, tủ lạnh bảo quản vắc xin cũng không có nhiệt kế đo nhiệt độ, rồi tất cả nhân viên, y bác sĩ của khoa đều chưa có chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn tiêm chủng. Theo bác sĩ Dương Thị Vân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar: “Thời gian qua, do việc tiêm vắc xin viêm gan B ở trẻ sơ sinh đang tạm ngừng, hiện bệnh viện chỉ còn tiêm một loại vắc xin phòng uốn ván nên chưa chú ý nhiều đến việc xây dựng phòng tiêm chủng. Tuy nhiên, sau khi được đoàn kiểm tra nhắc nhở và đề nghị chấn chỉnh các thiếu sót, ngay trong những ngày tới, Bệnh viện chúng tôi sẽ tiến hành trang bị cơ sở vật chất và liên hệ với Trung tâm Y tế huyện để lấy toàn bộ sổ sách ghi chép theo yêu cầu, cũng như phích vận chuyển vắc xin. Dự kiến trong vòng 1 tuần chúng tôi sẽ hoàn thiện đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng yêu cầu Bộ Y tế đã đề ra”…

Đoàn kiểm tra của ngành Y tế kiểm tra dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tại trạm Y tế xã Krông Buk (huyện Krông Pak).
Đoàn kiểm tra của ngành Y tế kiểm tra dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tại trạm Y tế xã Krông Buk (huyện Krông Pak).

Tính từ lúc ra quân tổng kiểm tra, rà soát (tháng 9) đến hết tuần đầu của tháng 10, ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác tiêm chủng tại hơn 200 điểm tiêm chủng, chiếm 92% so với tổng số điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, trong số các điểm tiêm chủng được thanh tra, kiểm tra có khoảng 70% điểm tiêm chủng đạt các yêu cầu về tiêm chủng theo quy định đề ra, những điểm tiêm chủng còn lại không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện đều được các đoàn kiểm tra yêu cầu tạm ngừng hoạt động tiêm chủng. Có thể thấy, việc các điểm tiêm chủng không tuân thủ đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế đều bị “tuýt còi” tạm ngừng hoạt động đã thể hiện sự quyết liệt của ngành Y tế đối với việc lập lại trật tự trong công tác tiêm chủng. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Với quan điểm những nơi nào đủ điều kiện mới cho tiêm còn nơi nào chưa đủ điều kiện thì phải tạm ngừng chờ khắc phục sai phạm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện điểm tiêm nào chưa đạt yêu cầu chúng tôi đều tạm đình chỉ chờ khắc phục sai phạm và giao cho Trung tâm y tế các địa phương hướng dẫn, đôn đốc và thẩm định lại, kết quả thẩm định đạt yêu cầu mới được tiếp tục hoạt động. Đối với những điểm tiêm ngoài trạm ở các xã vùng sâu vùng xa bắt buộc phải chấp nhận một số vấn đề còn tồn tại và khắc phục dần, nhưng nếu có những vấn đề gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn tiêm chủng thì dứt khoát phải ngừng tiêm và những điểm đó phải tăng cường nhân lực từ trung tâm y tế của địa phương, thậm chí khi cần thiết có thể tăng cường nhân lực của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh về hướng dẫn, tư vấn để xây dựng điểm tiêm ở mức độ có thể chấp nhận được. Một điểm tiêm ngoài trạm có thể chấp nhận được phải có cán bộ phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng, khu vực tiêm phải có ít nhất một bàn tiêm, có chỗ cho trẻ ngồi chờ, có chỗ để theo dõi trẻ sau 30 phút khi tiêm và có bàn tư vấn trước khi tiêm”.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, ngành Y tế đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường đầu tư cho cơ sở cả về nhân lực, vật lực và kỹ năng chuyên môn với mục tiêu 100% điểm tiêm chủng đều thực hiện tốt công tác an toàn tiêm chủng theo quy định đề ra. Và chính việc siết chặt an toàn tiêm chủng sẽ là cơ sở để những cán bộ, y bác sĩ trực tiếp làm công tác tiêm chủng thêm tự tin trong công việc như lời bộc bạch của nữ hộ sinh Phan Thị Phụng, khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar: “Khi quy trình tiêm chủng an toàn được thực hiện chặt chẽ, không chỉ người bệnh yên tâm mà bản thân những người làm công tác tiêm chủng như tôi cũng yên tâm hơn. Mình tuân thủ đúng quy định thì trường hợp không may xảy ra tai biến phía người bệnh cũng sẽ hiểu và thông cảm với mình”.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc