Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" (Kỳ I)
Kỳ I: Đụng đâu cũng thấy vi phạm
Chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đủ và đúng chủng loại, chưa tổ chức huấn luyện vệ sinh lao động, không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, chưa lập hồ sơ theo dõi, quản lý công tác an toàn PCCN, không trang bị phương tiện PCCN theo quy định… là những vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp trong công tác bảo đảm ATVSLĐ – PCCN.
Từ vi phạm an toàn vệ sinh lao động
Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN nhân Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 - năm 2014, chúng tôi nhận thấy rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định của pháp luật về công tác này. Xí nghiệp Việt Hà (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) một ví dụ. Đây là đơn vị chuyên khai thác, chế biến đá xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình công nghiệp, cầu đường, thủy lợi. Mặc dù ngành nghề sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, độc hại nhưng việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ chưa được doanh nghiệp chú trọng. Xí nghiệp có 69 lao động đã được ký hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng đến không xác định thời hạn nhưng đều chưa được huấn luyện về an toàn lao động. Riêng số lao động làm việc với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt cần phải cấp thẻ an toàn lao động là 13 người, nhưng đến nay vẫn chưa có ai được cấp thẻ. Trong khi đó, 3 loại máy gồm máy nổ mìn, máy đo điện trở kíp, xe cẩu là những thiết bị, vật tư nằm trong danh mục quản lý nghiêm ngặt về an toàn lao động lại chưa được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn đang “vô tư” vận hành. Đó mới chỉ là vài hạn chế của doanh nghiệp qua kiểm tra hồ sơ giấy tờ, còn trên thực tế tại mỏ đá, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện thêm nhiều vi phạm khác. Ở khu vực khoan đá, môi trường làm việc rất ồn, bụi mù mịt nhưng công nhân mới chỉ được trang bị quần áo, giày, mũ, khẩu trang chỉ là loại vải thông thường, không có găng tay, kính mắt và nút tai chống ồn; nơi tạm nghỉ của công nhân cũng chỉ được che chắn bằng vài tấm tôn. Những lao động làm việc ở vị trí trên cao chưa được trang bị dây đai bảo hộ, chưa có biển cảnh báo đối với những nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm. Ông Lê Đình Hiền, Giám đốc Xí nghiệp Việt Hà thừa nhận: “Do nhân sự của đơn vị mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác nên một số văn bản, quy định của pháp luật về ATVSLĐ chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục”. Chính vì môi trường, điều kiện làm việc như trên nên chỉ cần một tích tắc chủ quan, sơ suất, người lao động sẽ trở thành nạn nhân của tai nạn lao động.
Khai thác, chế biến đá xây dựng - ngành nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm nhưng người lao động chưa được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng chủng loại. |
Công ty TNHH Một thành viên Việt Tâm (buôn Mlớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) chuyên sản xuất, kinh doanh gạch cũng thuộc danh mục ngành nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, nhưng hầu như việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ đều bị “bỏ ngỏ”. Với 10 lao động làm việc thường xuyên, nhưng công ty chưa hề tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện cấp cứu, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không có mạng lưới an toàn vệ sinh viên; pa-lăng tời gạch không được kiểm định; hệ thống điện 3 pha không có hộp bảo vệ, cảnh báo nguy hiểm. Chị H’Miết Êban, công nhân của Công ty cho biết: Vào làm ở đây đã được 2 năm, nhưng chị chưa được ký hợp đồng lao động, chị không biết gì về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động. Công việc thì cứ người đi trước chỉ bảo lại cho người đi sau, làm miết rồi quen. Còn các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo, giày, găng tay, khẩu trang… thì ai cũng phải tự mua. Khi bị tai nạn lao động nhẹ thì tự đi khám điều trị chứ làm gì có bảo hiểm, lúc nào khỏi thì lại đi làm. Khi được hỏi về việc chấp hành các quy định pháp luật đối với công tác ATVSLĐ, bà Trần Thị Phi Yến, Giám đốc Công ty tỏ ra rất… ngạc nhiên. Bởi như bà giải thích thì tuy đơn vị chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên từ năm 2009 để tiện giao dịch làm ăn, nhưng thực chất vẫn hoạt động theo mô hình của một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. “Bao năm nay chúng tôi vẫn sản xuất, kinh doanh như vậy có ai kiểm tra, nhắc nhở gì đâu mà biết. Với lại nếu thực hiện đúng như trên sẽ phát sinh thêm rất nhiều chi phí, đơn vị khó mà tồn tại được trong điều kiện khó khăn như hiện nay” - bà Yến phân trần.
Công nhân Xí nghiệp Việt Hà đang tiến hành khai thác đá. |
Đến vi phạm về công tác phòng chống cháy nổ
Bên cạnh những vi phạm về các quy định ATVSLĐ như trên nhiều doanh nghiệp vẫn còn lơ là trong công tác PCCN. Hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê, sử dụng nhiệt độ cao trong quá trình rang, sấy, tinh chế sản phẩm, lẽ ra công tác PCCN phải được đặt lên hàng đầu, nhưng thời gian qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) chưa quan tâm nhiều đến công tác này. Công ty chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động cũng như hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài khu vực sản xuất, chưa có hệ thống đầu báo rò rỉ khí gas, chưa tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập phương án PCCN theo quy định; 6 van an toàn của 3 nồi hơi đã hết hạn kiểm định từ tháng 5-2013 nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm định lại.
Tại Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát (thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn), công tác PCCN cũng chưa được quan tâm. Công ty chưa xây dựng các quy định về PCCN, chưa thành lập đội phòng cháy chữa cháy, chưa tổ chức diễn tập phương án PCCN, không lắp đặt hệ thống chống sét, báo cháy, cấp nước chữa cháy theo quy định. Ở khu vực sản xuất, nhiều hệ thống dây điện được kéo, lắp đặt không đúng kỹ thuật, không cách ly, không có biện pháp chống rò rỉ điện, bảng điện lắp đặt chưa tuân thủ quy định về an toàn; 2 trong tổng số 4 bình chữa cháy của doanh nghiệp đã hết tác dụng nhưng chưa được thay thế. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thế Chiến, Giám đốc Công ty cho hay: Do quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ nên mặc dù biết các quy định của pháp luật về công tác PCCN nhưng không đủ “lực” để triển khai thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đến nơi đến chốn.
Kiểm tra thực tế nơi sản xuất, kinh doanh gạch của Công ty TNHH Một thành viên Hải My (khối 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đều lắc đầu ngao ngán bởi doanh nghiệp này hầu như không hề biết đến các quy định về PCCN. Khi được Đoàn kiểm tra yêu cầu cho xem hồ sơ quản lý, theo dõi và triển khai thực hiện Nghị định 35/2003/NĐ-CP, ngày 4-4-2003 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy thì ông Cao Ngọc Hải, Giám đốc Công ty tỏ ra ngơ ngác và vô tư buông lời: “Lò gạch khó cháy lắm. Nếu có xảy ra cháy thì chúng tôi càng đỡ phải tốn chi phí nung đốt gạch!”. Anh Nguyễn Văn Long, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh, thành viên của Đoàn kiểm tra cho biết, khi xảy ra cháy nổ, hậu quả để lại thường rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, nhiều vụ cháy còn gây thiệt hại về người. Nhưng qua kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là trong công tác này, chỉ một sơ suất, bất cẩn nào đó cũng có thể dẫn đến cháy nổ, để lại hậu quả khó lường.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc